Saturday, 24 December 2022
  0 Replies
  297 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Theo dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam ta có biết bao những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nhắc đến xứ Kinh Bắc xưa là không thể không nhắc đến hội Lim. Trong hội Lim thứ "đặc sản" tuyệt vời nhất là những làn điệu quan họ. Những làn điệu dân ca quan họ trữ tình, da diết, ngọt ngào ấy được cất lên bởi những liền anh, liền chị. Cứ thế, dân ca quan họ đi vào lòng người và trở thành nét văn hóa rất riêng của vùng đất kinh kỳ xưa.

https://i.imgur.com/mKBW034.jpg

Cái tên "Quan họ" được bắt nguồn từ truyền thuyết về vua Bà Nhữ Nương, con bà Tô Cô và ông Lộc Cộc. Nàng Nhữ Nương không xinh đẹp như các chị em mà lại nhỏ thó, đen đúa nhưng nàng được trời phú cho một giọng hát ấm áp mê đắm lòng người. Một hôm, trời đang nhá nhem tối, Nhữ Nương cùng các bạn mải hát bên bờ sông, bỗng có ba chàng trai bí ẩn đến đối đáp cùng bà.. Phe “liền chị” hát thi với phe “liền anh” chín đêm liền. Đến cuối đêm thứ chín những người đi theo đã mệt nhoài. Chỉ còn Nhữ Nương và một trong ba chàng trai. Cuối cùng, Nhữ Nương chủ động dừng hát, và chàng trai thổ lộ rằng chàng chính là con út vua Thủy tề, vì nghe tiếng hát của nàng si mê mà lên bờ xin được kết duyên, nhớ lại lần đầu gặp thấy Nhữ Nương đang vừa cắt cỏ vừa hát, từng đám mây ngũ sắc đang che trên đầu. Nhữ Nương đồng ý kết đôi với con vua Thủy tề. Bà được dân chúng tôn làm Vua Bà, thủy tổ làng Quan họ. Ngày nay, người ta biết đến quan họ Bắc Ninh, các làng quan họ nằm hai bên bờ sông Cầu, cách thủ đô Hà Nội về phía bắc khoảng 30km.

Quan họ là một nét văn hóa đặc sắc của con người Kinh Bắc. Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luôn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ, không có nhạc đệm kèm theo. Có bốn kỹ thuật hát đặc trưng: Vang, rền, nền, nảy. Hát quan họ có ba hình thức chính Hát canh, hát thi lấy giải, hát hội, mỗi hình thức đều có nét đặc sắc và dấu ấn riêng. Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ, tục kết bạn giữa các bọn quan họ, tục "ngủ bọn".

Trang phục cũng là một điểm nổi bật trong nghệ thuật Dân ca Quan họ. Trang phục của quan họ rất đặc biệt và có những quy định riêng giữa liền anh và liền chị. Các liền anh khoác lên mình tấm áo dài mỏng thẫm màu, bên trong là áo trắng cùng quần lĩnh trắng, ống rộng, phẳng phiu, có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần, đầu đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp., tay có thể cầm quạt hoặc cầm chiếc dù đen, vừa mạnh mẽ, vừa từ tốn, mang đậm truyền thống văn hóa vùng Kinh Bắc.

https://i.imgur.com/w2eAjmJ.jpg

Trang phục liền chị thì cầu kỳ và tỉ mỉ hơn, các chị sẽ mặc những bộ áo mớ ba mớ bảy nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh phối cùng với chiếc thắt lưng hoa đào, váy đen, chít tóc bằng khăn mỏ quạ, chân đi dép cong da trâu, đầu đội nón quai thao trắng, hoặc cầm ở tay thêm phần duyên dáng, thướt tha. Những câu hát mượt mà, da diết, ngọt ngào kết hợp với trang phục đặc biệt này đã làm tăng vẻ đẹp của các liền anh, liền chị.

https://i.imgur.com/tdQ8O8a.jpg

Truyền thống văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm, chứa đựng những tinh hoa và ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Dân ca quan họ đã mang đến cho người Việt Nam những lời hát nhẹ nhàng, những gì chân thật của cuộc sống, những đạo nghĩa làm người, hay những lời giao duyên của lứa đôi. Từ đây, ta cũng hiểu được cuộc sống tinh thần của con người Việt Nam xưa. Sống trên nền đạo đức cao thượng cùng văn hóa tín thần từ ngàn đời đã hun đúc lên văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.3K
Latest Member