Tuesday, 27 December 2022
  0 Replies
  283 Visits
1
Votes
Undo
  Subscribe
Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những nét độc đáo riêng biệt mà những quốc gia khác không có. Nó trở thành những nét riêng mang phong vị của dân tộc ấy. Nhắc đến Việt Nam – miền đất 4000 năm văn minh, người ta không chỉ thấy hình ảnh chiếc nón lá, hay tà áo dài, mà còn có những loại hình sân khấu cổ điển đặc sắc. Nghệ thuật sân khấu chèo cũng như vậy. Chèo có nguồn gốc lịch sử như thế nào, nét đặc sắc của chèo ở đâu,... chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu ngay sau đây!

https://i.imgur.com/MWlPVfI.jpg

Từ xa xưa, hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân Việt Nam ta. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát với sự kết hợp nhuần nhuyễn và khéo léo của hàng loạt đặc trưng: hát, múa, nhạc, kịch của dân gian. Hiện nay, chèo xuất hiện chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sân khấu diễn xướng thường là ở sân đình vào các dịp lễ, tết. Các vở chèo thường được sáng tác dựa trên từ những câu chuyện cổ tích, những tích truyện truyền miệng về những câu chuyện dân gian trong quần chúng. Nội dung của nó mang giá trị sâu sắc, đề cao những phẩm chất đạo đức cao quý như đức hy sinh, lòng dũng cảm, sự trung thành, chung thủy, sự nhẫn nại … tất cả đều bắt nguồn từ sự tín thần của dân tộc Việt xưa, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Nghệ thuật chèo ngày nay được rất nhiều người dân yêu thích. Nó không chỉ phản ánh giá trị đạo đức con người mà còn hướng con người ta tới sự hoàn thiện về tư tưởng nhân cách, tấm lòng cao thượng.

Chèo được hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh khi vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà chuyên truyền dạy nghề múa hát. Sau đó chèo phát triển rộng ra toàn lãnh thổ Đại Cồ Việt gồm khu vực châu thổ Bắc Bộ và các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh ngày nay. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ X. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Chèo, chủ yếu gắn liền với nông thôn Việt Nam, đầu thế kỷ XX, chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành chèo văn minh. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường... Cũng bởi sự gần gũi ấy mà chèo xuất hiện trong rất nhiều thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn... khác hẳn các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, cải lương, ca kịch…

Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu châu Âu mà các nghệ sỹ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Do vậy, vở kịch kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người nghệ sỹ hay đòi hỏi của khán giả. Không giống các vở opera buộc các nghệ sỹ phải thuộc lòng từng lời và hát theo nhạc trưởng chỉ huy, nghệ sỹ chèo được phép tự do bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Số làn điệu chèo theo ước tính có khoảng trên 200. Tất cả đều bắt nguồn từ ca dao, dân ca, ...

Chèo sử dụng ít nhất hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị, đồng thời có thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói “phi trống bất thành chèo” chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Trong chèo hiện đại có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tiêu v.v...

Chèo đã mang đến cho người dân Việt Nam ta những giá trị đạo nghĩa sâu sắc, giúp con người thăng hoa về tinh thần, đạo đức. Tuy không còn phổ biến như trước, những làn điệu chèo đã đi sâu vào tiềm thức của con người, trở thành một nền văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.7K
Latest Member