By Ngọc Đức on Saturday, 07 January 2023
Posted in Làng nghề
Replies 0
Likes 0
Views 250
Votes 0
Nói đến mảnh đất Gia Lộc người ta không chỉ nghĩ đến đây là mảnh đất của địa linh nhân kiệt với những anh hùng chiến công hiển hách như Trương Hanh, Đoàn Thượng, Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa…mà còn là nơi quy tụ của nhiều làng nghề truyền thống; một trong số đó phải kể đến nghề làm bún gia truyền ở xã Tân Tiến.

Nghề làm bún truyền thống ở xã Tân Tiến huyện Gia Lộc đã có từ lâu đời, ban đầu chỉ là một nghề phụ trong những ngày nông nhàn. Theo thời gian, nghề làm bún dần khẳng định chỗ đứng, đem lại thu nhập, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm người dân nơi đây.

Nếu có dịp ghé thăm xã Tân Tiến hỏi thăm nhà anh Bùi Văn Hoàn thôn Quán Đào làm bún là không ai không biết đến. Bởi hiện nay, gia đình anh là cơ sở làm bún lớn nhất huyện Gia Lộc. Men theo cổng làng thôn Quán Đào, chúng tôi tìm về cơ sở sản xuất bún Gia Truyền của gia đình anh Hoàn để tìm hiểu về quy trình sản xuất ra những sợi bún trắng thơm ngon nhờ vào những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân nơi đây. Là người có kinh nghiệm gắn bó với nghề hơn 30 năm làm bún truyền thống- một nghề vô cùng vất vả, thấm đẫm mồ hôi, đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó của người làm nghề. Khi được hỏi về bí quyết để làm ra những sợi bún trắng trong và thơm ngon, anh Hoàn tâm sự: “Để làm ra sợi bún ngon và đảm bảo chất lượng không chỉ đòi hỏi công nghệ hiện đại mà nó còn đòi hỏi cả sự tinh tế trong cách pha chế và kinh nghiệm của người làm nghề. Bún ngon là loại bún không có vị chua, sợi trắng và không đục, Bún sản xuất hợp vệ sinh sẽ có thời gian sử dụng từ 24 giờ đến 48 giờ. Để làm ra sợi bún phải trải qua nhiều công đoạn, với quy trình khép kín, ngoài chọn được gạo ngon, trắng, đều còn phải cả thời tiết và nguồn nước. Muốn có sợi bún ngon, dai thì phải chọn được loại gạo ngon, hạt mẩy, không bị gẫy. Gạo để làm bún thường là gạo V. Khi ngâm gạo trước khi xay bột phải chú ý đến thời gian ngâm. Ngâm quá nhanh sẽ làm cho sợi bún bị đục không đẹp, không ngon. Cũng không được ngâm quá lâu sẽ làm cho sợi bún bị bở, không dai. Gạo sau khi ngâm được xay rồi bọc lại thành từng khối nén chặt lại. Nếu nén càng chặt thì sau sẽ cho ra sợi bún ngon hơn. Bột gạo sau khi nén chặt thì được đem ra pha với nước, nhưng cần để ý nước pha phải là nước thật sạch, phải pha hợp lý giữa lượng nước và lượng bột gạo, không sẽ làm cho sợi bún bị nhão, đục không thành sợi. Trong quá trình cho ra sợi bún phải để ý đến hơi nước, hơi nước phải nóng, kín thì sợi bún mới liền, dai”.

Anh Hoàn cho biết, để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, hàng ngày cơ sở hoạt động từ 8 giờ sáng và kéo dài đến tận tối. Ngoài vợ chồng anh trực tiếp làm bún, anh còn thuê thêm hai lao động. Mỗi ngày gia đình anh sản xuất ra hơn một tấn bún cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện; trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhiều năm nay, sản phẩm bún của gia đình anh được các thực khách rất ưa chuộng, ngoài phục vụ cho nhu cầu của người dân trong và ngoài xã, gia đình anh còn cung cấp cho các nhà hàng có tiếng ở thành phố Hải Dương hay các trường mầm non trong huyện. Nghề làm bún không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ của địa phương. Theo anh Hoàn tâm sự thì trước kia việc sản xuất bún của xã chủ yếu còn nhỏ lẻ và chủ yếu làm thủ công nên sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian, năng suất không cao. Nhưng nhiều năm trở lại đây, khi đời sống người dân phát triển, sản phẩm của làng nghề ngày càng đi xa và không ngừng mở rộng thị trường. Để thuận tiện trong việc sản xuất với quy mô lớn, nhiều gia đình làm bún ở xã Tân Tiến đã mạnh dạn đầu tư kinh phí mua sắm hệ thống dây chuyền làm bún hiện đại, sợi bún đẹp và thơm ngon hơn, quy trình cũng nhanh gọn hơn, vừa giảm công sức lao động, năng suất cao lại đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Không những làm giàu từ việc bán bún mà các sản phẩm thừa từ khâu sản xuất còn được người dân nơi đây tận dụng làm thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả.

Nghề làm bún theo phương pháp hiện đại đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, người dân cần chú trọng vấn đề xử lý nước thải và bã thải trong quá trình sản xuất tránh gây ô nhiễm môi trường, có như vậy thì nghề sản xuất bún mới duy trì và phát triển bền vững góp phần làm giàu cho quê hương Gia Lộc.



(Nguồn http://gialoc.haiduong.gov.vn/)
View Full Post