Thursday, 27 October 2022
  0 Replies
  384 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Hôm vừa rồi trong “happy hour” ở công ty mình, mọi người tổ chức chơi đuổi hình bắt chữ với chủ đề là các món ăn Việt Nam. Ẩm thực nước ta được đánh giá là rất đặc sắc, đa dạng, được nhiều người yêu thích.

Có nhiều món hay, lạ nên mình sưu tầm luôn, biết đâu sau chơi lại có lợi. :p

CÁC MÓN CHÍNH PHỔ THÔNG NHẤT

1.Phở
Nguồn gốc của phở bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ 19, tại Hà Nội và Nam Định. Đây cũng là hai địa điểm có loại phở truyền thống ngon nhất và nổi tiếng nhất. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng.

- Sợi phở: Được làm từ gạo, có màu trắng, dẹt, to bản.
- Nước dùng: Đây được xem là tinh hoa của món phở, với công đoạn chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ. Đặc trưng của nước dùng là xương ống ninh nhừ, kết hợp cùng nhiều loại gia vị như gừng, hành củ, quế, hồi, thảo quả,… Theo món phở truyền thống thì nước dùng không thể thiếu đuôi bò.
- Thịt: Phở có hai loại phở chính là phở bò và phở gà, trong đó phở bò là loại phở truyền thống đầu tiên. Với phở bò, tùy vào khẩu vị của từng người mà có thể làm tái, chín, tái chín, nạm, gầu.
- Gia vị: Gia vị đi kèm phở phổ biến là hành, chanh, giấm, tiêu, mắm, ớt…

Bắt nguồn từ miền Bắc, phở đã trở thành món ăn phổ biến của người Việt thời Đông Dương tới tận bây giờ. Chúng ta có thể tìm thấy những cửa hàng phở gia truyền nổi tiếng, chuỗi nhà hàng phở hiện đại hoặc các cửa hàng bình dân ở mọi miền đất nước. Chính vì thế, phở được xem là món ăn “quốc hồn quốc túy”, đại diện cho ẩm thực Việt Nam và đứng đầu trong top món ăn truyền thống Việt Nam ngon và nổi tiếng nhất.

https://i0.wp.com/phuongtran.blog/wp-content/uploads/2022/10/pexels-photo-6646034.jpeg?resize=768%2C512&ssl=1

2. Bún
Bún là một món ăn đặc trưng khác trong ẩm thực Việt Nam. Nguyên liệu và cách làm gần giống với phở, nhưng sợi bún tròn hơn và nhanh chua hơn.

Về nguồn gốc, bún còn ra đời trước phở rất lâu, được xem là ra đời từ thời Lý – Trần. Bún ở Việt Nam có phần giống với hủ tiếu ở Trung Quốc, mì Udon của Nhật, Khanom chin của Thái, nên có thể xem như là những món “noodle” ở Đông Á đều có chung nguồn gốc và ảnh hưởng lẫn nhau, về mỗi quốc gia lại tự biến tấu thành những món riêng của quốc gia mình.

Món bún ở Việt Nam rất đa dạng. Sợi bún thì có bún rối, bún vắt, bún nắm. Các loại món bún có bún nước, bún trộn, bún chấm. Các món bún phổ biến ở Việt Nam là bún chả, bún bò, bún thang, bún đậu, bún ngan, bún mọc, bún cá, bún thịt nướng… Trong đó, nổi tiếng và ngon nhất là bún chả, bún bò Huế và bún đậu mắm tôm.

- Bún chả: Đây là món ăn đặc sản của Hà Nội và miền Bắc Việt Nam, có độ nổi tiếng không thua kém gì phở. Nếu như phở được chọn làm món ăn đại diện cho ẩm thực Việt, thì bún chả lại là món ăn được nhiều tạp chí và chuyên gia ẩm thực đánh giá cao nhất, cho là món ăn ngon nhất Việt Nam. Bún chả là món bún ăn kèm với chả lợn nướng (thường là chả băm hoặc chả thịt miếng). Chả được nướng trên vỉ than hồng dậy mùi thơm, ăn kèm với nước chấm và các loại rau sống.
- Bún bò Huế: Là món ăn đặc trưng của “cố đô” Huế. Bún bò Huế là món bún chan, khác với bún bò ở miền Bắc, thường có nước dùng ngọt hơn, và không chỉ có thịt bò mà còn có chân giò heo, mọc, tiết… Một món bún bò khác cũng nổi tiếng, đó là bún bò Nam Bộ.
- Bún đậu mắm tôm là món ăn đơn giản, dân dã trong ẩm thực miền Bắc Việt Nam. Đây là món thường được dùng như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Thành phần chính gồm có bún tươi, đậu phụ chiên vàng, chả cốm, nem chua,dồi chó, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, rau húng…

https://i0.wp.com/phuongtran.blog/wp-content/uploads/2022/10/pexels-photo-3858270.jpeg?resize=1024%2C682&ssl=1

3. Miến
Đây cũng là một món dạng sợi, được làm từ củ dong riềng, bột đao. Cách chế biến miến để ăn tương tự như các món bún nước hay phở. Trong ẩm thực người Việt thường có các món miến xào hoặc miến nước khá phổ thông sau: Miến xào lòng gà; Miến xào (hoặc nấu) mộc nhĩ, nấm hương; Miến lươn…

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4f/Mi%E1%BA%BFn_th%E1%BB%8Bt_b%E1%BA%B1m_%283%29.JPG

4. Bánh cuốn
Đây cũng là một trong những món ăn lâu đời nhất trong các món ăn Việt Nam.

Trong sách An Nam chí lược có ghi chú “Vào tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau”. Như vậy, bánh cuốn là một món ăn phổ biến chốn cung đình từ thời Trần và nếu như theo vua Trần Nhân Tông thì món ăn này là phong tục cũ từ tận thời An Nam truyền lại.

Bánh cuốn được làm bằng cách tráng bột gạo mỏng thành vỏ bánh, khi vỏ bánh bắt đầu kết dính lại thì đổ nhân gồm thịt băm, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô. Sau đó cuộn bánh lại, tạo thành chiếc bánh cuốn thơm ngon, đẹp mắt. Khi tráng xong, bánh cuốn sẽ được bày ra đĩa, rắc hành khô, ăn cùng rau sống, chả lợn và chấm nước mắm. Nước mắm chấm bánh cuốn thường được pha nhạt hơn và pha thêm dưa góp, tỏi, ớt, tiêu…

Ngày nay, bánh cuốn vẫn là món ăn đặc trưng ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, trong đó, bánh cuốn Thanh Trì là nổi tiếng nhất.

https://i0.wp.com/cdn3.ivivu.com/2022/09/B%C3%A1nh-cu%E1%BB%91n-Thanh-Tr%C3%AC-ivivu-1.jpg?ssl=1

5. Bánh mỳ
Được mệnh danh là “loại bánh sandwich ngon nhất thế giới”, bánh mì cũng được vinh dự xếp trong top món ăn truyền thống Việt Nam ngon và nổi tiếng nhất.

Có nguồn gốc từ bánh mì của Pháp mang sang, người Việt Nam đã rạch bụng ổ bánh mì và nhồi vào đó nhiều loại nhân khác nhau, tạo nên một loại bánh mì Việt Nam đặc trưng, khác biệt so với bánh mì Pháp, vốn dùng để cắt lát ăn với bơ sữa. Nhân bánh mì rất đa dạng: chả, giò, thịt lợn nướng, trứng tráng, xúc xích, lạp xưởng… tuy nhiên, nổi tiếng nhất là bánh mì patê.

Do giá thành không cao, bánh mì thường được bán ở đường phố hoặc một số cửa tiệm, thích hợp với mọi tầng lớp.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/0c/B%C3%A1nh_m%C3%AC_th%E1%BB%8Bt_n%C6%B0%E1%BB%9Bng.png

6. Cơm tấm
Việt Nam là nền văn minh lúa nước, vậy nên không thể không nhắc đến cơm tấm. Một đĩa cơm tấm truyền thống thường được phục vụ kèm với nước mắm và canh, bên cạnh các món mặn như sườn, chả, trứng, bì và đồ chua (cà chua, cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối…)

Đôi khi cơm tấm còn được ăn kèm với thịt kho tàu, tàu hũ nhồi thịt, cá chiên, gà, rau, đồ xào,… giống như cơm thường. Kiểu ăn này có thể thấy ở các quán cơm tấm có nhiều khách là giới văn phòng.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/b/b0/C%C6%A1m_T%E1%BA%A5m%2C_Da_Nang%2C_Vietnam.jpg

7. Cơm rang
Cơm rang hay cơm chiên thường được chế biến từ cơm nguội và trộn với các thành phần khác như trứng, rau, dưa, thịt, hải sản. Nguyên liệu quen thuộc, cách làm đơn giản mà lại thơm ngon nên rất được nhiều người yêu thích.

https://i0.wp.com/phuongtran.blog/wp-content/uploads/2022/10/pexels-photo-9980875.jpeg?resize=1024%2C682&ssl=1

8. Bánh chưng/bánh tét
Một món ăn khác có nguồn gốc từ gạo là bánh chưng. Đây là món ăn truyền thống, có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, bắt nguồn từ thời đại Vua Hùng, với truyền thuyết “bánh chưng bánh dày”.

Nguyên liệu bánh chưng gồm vỏ bánh là gạo nếp giã nhỏ; nhân gồm thịt lợn, đậu xanh. Bánh chưng được gói thành hình vuông, tượng trưng cho mặt đất, gói bằng lá dong hoặc lá chuối để có màu xanh.

Sau khi gói, bánh chưng được luộc cách thủy rất lâu, thông thường phải ngồi trông vừa chín tới để không bị nát, cháy mà cũng không bị sống. Đây là sự tinh tế nhất của món bánh chưng, thường gắn liền với hình ảnh đám trẻ con ngồi trông bánh chưng xuyên đêm dịp Tết. Sau khi chín, bánh chưng chỉ cần bóc ra là ăn được, có thể ăn luôn hoặc ăn với dưa, hành, củ kiệu.

Bánh tét có cách làm tương tự nhưng thay vì hình vuông thì là hình trụ.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/91/Banh_chung_%28goi_khong_khuon%29.jpg/800px-Banh_chung_%28goi_khong_khuon%29.jpg

9. Giò
Ngày Tết hay các dịp cúng lễ, bên cạnh bánh chưng người ta còn hay bày một khoanh giò. Đây là một món thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam, sử dụng nguyên liệu chính là thịt giã nhuyễn, phối trộn với một số nguyên liệu khác, được gói chặt bằng lá chuối và thường được làm chín bằng cách luộc hay hấp. Loại giò phổ biến nhất là giò lụa, được làm từ thịt lợn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/d/d2/B%C3%A1nh_ch%C6%B0ng_v%C3%A0_gi%C3%B2_l%E1%BB%A5a.jpg/800px-B%C3%A1nh_ch%C6%B0ng_v%C3%A0_gi%C3%B2_l%E1%BB%A5a.jpg?20091111022413

10. Nem rán/chả giò
Nem rán (người miền Trung gọi là “ram nướng” còn người miền Nam gọi là “chả giò”) là một món ăn truyền thống của người Việt, thường hay được làm vào các dịp cỗ, hoặc cúng bái gia tiên, đặc biệt là dịp Tết. Nguồn gốc của nem rán có lẽ bắt nguồn từ ẩm thực Trung Hoa nhưng món nem rán ở Việt Nam đã có nhiều khác biệt.

Nem rán truyền thống là món cuốn, với nhân là thịt lợn băm nhuyễn, trộn chung với miến, nấm, mộc nhĩ… rồi cuộn trong bánh đa nem làm từ bột, rồi chiên giòn. Ngày nay, có nhiều món nem rán được biến tấu khác đi, trong đó có nem hải sản với nhân hải sản (tôm, cua, cá) với vỏ tẩm bột chiên giòn.

https://i0.wp.com/cdnimg.vietnamplus.vn/uploaded/ngtmbh/2022_02_08/nem_ran.jpg?ssl=1

11. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn phổ biến ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, nhưng phổ biến nhất là ở Nam Bộ. Gần như không có công thức cố định cho gỏi cuốn bởi mỗi vùng miền lại chế biến khác nhau, nhưng các thành phần chung bao gồm bánh tráng và nhân.

Trong đó, nhân thường là rau sống, bún, thịt (bò, lợn), chả, giò, trứng và đặc biệt, gỏi cuốn ngon nhất là có nguyên một con tôm bên trong nhân. Món gỏi cuốn ăn chấm với nước tương, nước mắm hoặc nước sốt, thường để ăn khai vị hoặc nhậu rượu bia.

https://i0.wp.com/media.foody.vn/res/g104/1032601/prof/s/foody-upload-api-foody-mobile-1-200626134139.jpg?ssl=1

12. Xôi
Xôi cùng với nem hay giò thường được làm vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, xôi còn là thức ăn sáng quen thuộc thường ngày.

Cũng giống như bánh chưng, nguyên liệu chính làm xôi là gạo nếp, được đồ/hấp chín bằng hơi nước. Một số loại xôi phổ biến là xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen, xôi gấc, xôi ngô, xôi xéo…

https://i0.wp.com/i-giadinh.vnecdn.net/2021/10/08/nh1-1633673448-8968-1633673738.jpg?ssl=1

13. Cháo
Cháo là một món ăn chủ yếu dùng gạo và nước khi nấu của nhiều dân tộc tại Đông Á và Đông Nam Á. Để được thành cháo thường thì thể tích nước phải hơn gấp 3 lần thể tích gạo, ngoài ra có thể nấu chung với rất nhiều các loại nguyên liệu khác như rau, củ, quả, các loại thịt.

Chào thường dùng làm thức ăn cho người bệnh, người già, trẻ em hay đơn giản là một món quà ăn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/9d/Ch%C3%A1o_c%E1%BB%A7_qu%E1%BA%A3.jpg/800px-Ch%C3%A1o_c%E1%BB%A7_qu%E1%BA%A3.jpg

CÁC MÓN ĂN TRONG BỮA CƠM HÀNG NGÀY

14. Rau muống
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”

2 câu thơ này chắc hẳn đã khắc sâu vào tâm trí nhiều người Việt Nam. Dù là luộc chấm tương hay xào tỏi thì rau muống cũng đã trở thành món ăn giản dị thông thể thiếu trong mỗi bữa cơm của người Việt.

https://i0.wp.com/ngonaz.com/wp-content/uploads/2022/05/cach-lam-rau-muong-luoc-1.jpg?ssl=1

15. Dưa muối
Bên cạnh rau muống, dưa muối cũng là món ăn dân dã thường ngày. Nguyên liệu chính để làm món này là rau cải, được ủ với nước và muối để lên men.

Ngoài dưa muối người ta còn làm hành muối, cà muối, dùng như món ăn kèm, giải ngán cho những món quá nhiều dầu mỡ.

https://i0.wp.com/khoquet.vn/wp-content/uploads/2017/07/C%C3%A1ch-L%C3%A0m-D%C6%B0a-C%E1%BA%A3i-Chua-Mu%E1%BB%91i-Ngon-Tuy%E1%BB%87t-C%C3%BA-M%C3%A8o.jpg?ssl=1

16. Nộm hoa chuối
Nộm hoa chuối của Việt Nam trông rất thịnh soạn, lớn hơn nhiều so với một đĩa rau trộn thông thường. Hoa chuối được bóc vỏ và thái mỏng sau đó được trộn với đu đủ, cà rốt, rau răm và thịt gà, nước mắm và lạc rang.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/ce/N%E1%BB%99m_hoa_chu%E1%BB%91i.png/1024px-N%E1%BB%99m_hoa_chu%E1%BB%91i.png

17. Đậu phụ sốt cà chua
Đúng như tên gọi, đây là món ăn với thành phần chính với đậu phụ được rán giòn sau đó đem sốt với cà chua, vừa đẹp mắt mà hương vị lại đậm đà hơn, ăn mãi không chán trong bữa cơm hàng ngày.

https://i0.wp.com/media.cooky.vn/recipe/g2/11076/s640/recipe-cover-r11076.jpg?ssl=1

18. Chả lá lốt
Chả lá lốt là một trong những món ăn quen thuộc ở miền Bắc. Thịt băm (xay) được gói trong lá lốt sau đó đem rán hoặc nướng, vừa mềm mà lại mang hương vị độc đáo của lá lốt.

https://i0.wp.com/live.staticflickr.com/5017/5439362891_b8749d6940_b.jpg?ssl=1

19. Ốc nấu chuối đậu
Đây là món ăn phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. Tuy là món dân dã nhưng rất cầu kỳ, được chế biến từ ốc luộc chín nấu cùng chuối xanh, đậu rán, thịt ba chỉ, có lá lốt, tía tô.

https://i0.wp.com/i-giadinh.vnecdn.net/2022/04/23/Thanh-pham-1-1-4875-1650708542.jpg?ssl=1

20. Canh chua
Trong mâm cơm truyền thống của Việt Nam thường luôn có một món canh. Vào những ngày nóng nực, người ta thường nấu canh chua. Nguyên liệu chính để nấu canh rất đa dạng, các loại rau củ quả, thịt hay thủy sản, tùy theo nguyên liệu lại có các gia vị tạo chua khác nhau.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/a/a0/Canhchua2.jpg/800px-Canhchua2.jpg

CÁC MÓN ĂN VẶT

21. Chè
Chè được dùng như một món tráng miệng hay một thức quà, đặc biệt những ngày nóng ăn giải nhiệt rất tốt. Nguyên liệu chính để nấu chè là đường, gạo và/hoặc đậu (các loại), có thể có thêm trái cây, từ đó tạo nên rất nhiều hương vị.

Một số loại phổ biến là chè bưởi, chè đỗ đen, chè đỗ xanh, chè đậu đỏ, chè khúc bạch,…

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2a/Ch%C3%A8_xo%C3%A0i.jpg?20211026004226

22. Cốm
Cốm được coi là thức quà đặc biệt vào mùa Thu tại Hà Nội. Món ăn này được làm từ lúa nếp, làm chín bằng cách rang sau đó mang đi giã và được làm sạch bằng cách sàng sảy cho hết vỏ trấu, loại bỏ hết tạp chất.

Đối với miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, còn ở miền Trung và Nam Bộ cốm thường sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn, rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường.

Cốm có thể ăn “thuần” hoặc dùng cùng chuối. Ngoài ra người ta cũng sử dụng cốm để nấu chè, làm xôi, làm bánh.

https://i0.wp.com/znews-photo.zingcdn.me/w1920/Uploaded/neg_esfjaex/2019_11_19/quangthanh28_39486291_2263033507258784_2245370329247514624_n.jpg?ssl=1

23. Bánh gối
Bánh gối là một món ăn vặt, với hình dạng như chiếc gối, được làm từ bột mỳ và nhân đa dạng như nhân nem. Bánh ăn giòn rụm, nóng hổi cùng với nước chấm chua ngọt đậm đà, rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày trời lạnh.

https://i0.wp.com/afamilycdn.com/150157425591193600/2020/4/4/af1f67fd-e898-443d-b962-042229433a8b-1586017989842133034141.jpeg?ssl=1

24. Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn vặt phổ biến, với nhân gồm có tôm, thịt, giá đỗ… và nướng chín trong chảo ngập dầu. Vỏ bánh xèo là bột mì trộn với nghệ để tạo màu vàng bắt mắt, cùng đó là nước cốt dừa để tạo hương vị cho món ăn.

Một loại bánh gần giống với bánh xèo là bánh khoái, có nguồn gốc từ Huế. Điểm khác biệt chủ yếu giữa 2 loại bánh này là nước chấm, nước chấm bánh khoái sền sệt, có vị bùi béo, trong khi nước chấm bánh xèo thì loãng, có vị ngọt chua.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/a/a5/B%C3%A1nh_x%C3%A8o_with_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_m%E1%BA%AFm.jpg

25. Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam, được chế biến bằng cách luộc trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Món này được cho là rất bổ dưỡng. Các gia vị phổ biến đi kèm là rau răm, gừng tươi thái chỉ, muối tiêu chanh (quất) và dấm ớt.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/eb/Hotvitlon.jpg/800px-Hotvitlon.jpg?20110405153912

26. Nem chua
Nem chua cũng được cuộn giống như nem, với nhân là thịt lợn, lợi dụng men của lá chuối (hoặc lá ổi, lá vông, lá sung…) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Đây là món ăn chơi được coi là “sản vật” của các địa phương, trong đó nổi tiếng nhất là nem chua Thanh Hóa.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/7/72/Nem_Chua_after_cutting.jpg/800px-Nem_Chua_after_cutting.jpg?20120425201737

27. Cơm cháy
Cơm cháy có nguồn gốc từ Ninh Bình. Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp hương, hạt gạo tròn và trong. Khi nấu tốt nhất là cho vào nồi gang và dùng than củi.

Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt lúc ăn mới chiên giòn. Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc (chà bông) hoặc tương nếp.

Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức công nhận cơm cháy Ninh Bình là món ngon kỷ lục châu Á trong danh sách 10 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

https://i0.wp.com/vivu.net/uploads/2021/01/com_chay_cha_bong.jpg?ssl=1

CÁC MÓN ĂN CÓ TÍNH VÙNG MIỀN

28. Bánh bèo
Ban đầu mình cứ ngỡ “bánh bèo” là để chỉ tính cách của mấy bạn nữ, nhưng hóa ra là có loại bánh đó thật. :))

Đây là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung, miền Nam. Có tên như vậy là bởi hình dáng của nó như một cánh bèo. Do đó, khi đổ bột phải làm sao khéo để bánh thật mỏng, sau đó đem hấp cách thủy. Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.

Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/d3/B%C3%A1nh_b%C3%A8o.jpg

29. Bánh khọt
Nếu bạn là một tín đồ ăn uống chắc hẳn bạn đã nghe qua cái tên bánh khọt. Nguyên liệu làm bánh khọt là bột gạo, nhưng cách pha chế phải khéo léo. Bột nhiều hơn nước bánh sẽ khô và không có độ dai, còn nước nhiều hơn bột bánh lại bị nhão, không giòn. Trên nền màu trắng của bánh nổi bật màu đỏ của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.

Nước chấm dùng cho bánh khọt là nước mắm pha chua ngọt, vừa miệng thực khách. Bánh ăn kèm với đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng các loại rau xà lách, húng quế, ngò gai, tía tô… làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/ba/B%C3%A1nh_kh%E1%BB%8Dt_tr%C3%AAn_khu%C3%B4n.jpg/800px-B%C3%A1nh_kh%E1%BB%8Dt_tr%C3%AAn_khu%C3%B4n.jpg

30. Bánh căn
Bánh căn là một loại bánh phổ biến của Ninh Thuận, Bình Thuận, sau này được phát triển ở vùng Nam Trung Bộ, có nguồn gốc là một món ăn của người Chăm. Bánh căn có hình dáng gần với bánh khọt, nhưng cách làm hoàn toàn khác.

Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm khoảng 6 – 8 tiếng đồng hồ rồi đem xay thành bột loãng. Đổ bánh căn dùng một lò đất nung tròn to, bên trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, khuôn đổ bột khoảng 8 – 16 lỗ; phần thân lò để chứa than hồng. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng khuôn.

Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được. Bánh căn dùng nóng với nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với rau sống, bánh mì chiên giòn.

https://i0.wp.com/live.staticflickr.com/65535/50536193811_2f6930dc65_b.jpg?ssl=1

31. Bánh canh
Bánh canh là một món nước được chế biến giống như phở hay bún, có nguồn gốc từ Đông Nam Bộ, sau đó phổ biến khắp Việt Nam. Mỗi địa phương có hương vị đặc trưng riêng, nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh Trảng Bàng.

Để có món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon, yêu cầu trước tiên là phải có những sợi bánh canh thật ngon. Bột bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay nhuyễn, lọc, hấp chín để tạo thành những sợi bánh canh mềm, dẻo, trắng muốt.

Nước dùng bánh canh được hầm từ xương lợn, ngon nhất là loại xương ống. Khi đun, hớt bọt và canh lửa thật khéo để nước trong và thơm cùng với gia vị vừa ăn. Món ăn này là sự hòa quyện đầy đủ vị béo ngọt của thịt, bánh canh thơm, dai cộng thêm với vị chua chua, mằn mặn, cay cay của nước mắm…

https://i0.wp.com/afamilycdn.com/150157425591193600/2022/9/22/30273354032654682537282561104592058852675160n-1663469585825381530996-1663840248085-1663840248257649507416.jpeg?ssl=1

32. Bánh bột lọc
Bánh bột lọc là một món ăn phổ biến ở miền Trung, có xuất xứ từ Huế. Bánh được làm từ bột sắn (bột năng), chủ yếu nhân tôm và thịt, có thể để trần hoặc gói bằng lá chuối, ăn với nước chấm chua ngọt.

Bánh bột lọc ngon khi bóc phải trong suốt, bột không bị dính hay đọng vào lá. Khi thưởng thức, bánh phải có độ dai dai mềm mềm của bột mì và vị đậm đà của nhân thịt tôm thì mới đạt tiêu chuẩn.

https://i0.wp.com/phuongtran.blog/wp-content/uploads/2022/10/pexels-photo-5948999.jpeg?resize=1024%2C682&ssl=1

33. Thịt đông
Thịt đông là một món ăn quen thuộc, đặc trưng của miền Bắc Việt Nam trong những ngày mùa đông. Thịt đông có nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn (chân giò, bì), mộc nhĩ, hạt tiêu. Đây là món ăn nguội, lạnh, ăn với cơm nóng, khi ăn sẽ có cảm giác mát ở đầu lưỡi.

https://i0.wp.com/i-giadinh.vnecdn.net/2021/02/04/thit2-1612414588-5011-1612414921.jpg?ssl=1

34. Bánh đa cua
Bánh đa cua là một món ăn mộc mạc mà thân thiết của người dân đất cảng Hải Phòng. Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ 5 màu: màu nâu hồng của gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau nhút, rau muống, hành lá, màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/8/81/BANH_DA_CUA_1.jpg

35. Chả cá
Người Hà Nội coi chả cá là một món ăn đặc biệt, đến mức có hẳn một con phố mang tên Chả cá. Con phố này là nơi có nhà hàng nổi tiếng Chả cá Lã Vọng.

Ngày xưa, có gia đình họ Đoàn ở số 14 Hàng Sơn lấy nhà mình cưu mang nghĩa quân Đề Thám, thường hay làm một món chả từ cá rất ngon đãi nghĩa quân. Sau đó, Đề Thám cùng nghĩa quân giúp chủ nhà mở một hàng chả cá vừa để chủ nhà kiếm sống, vừa để làm nơi họp quân. Trong nhà hàng luôn bày tượng ông Lã Vọng – Khương Tử Nha bó gối câu cá, ám chỉ người tài giỏi chờ đợi thời cơ. Món ăn của nhà hàng trở nên nổi tiếng, được gọi là chả cá Lã Vọng.

Chả cá Lã Vọng có cách làm tương đối cầu kỳ. Nguyên liệu sử dụng thường là cá lăng tươi, thịt ngọt, thơm, ít xương. Cá được lọc bằng cách lạng từ hai bên sườn, sau đó ướp gia vị bí truyền với riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, mắm… Cá phải ngâm trong 2 giờ, rồi nướng trên lửa hồng, lật giở đều tay để các mặt chín vàng như nhau. Sau khi nướng, lại cho chả vào chảo mỡ, đảo qua trong mỡ sôi lăn tăn, khi đã vàng thơm thì cắt thì là, rau thơm vào đảo đều, trộn lẫn.

Vì cách làm cầu kỳ nên chả cá Lã Vọng đã từng là món quà cho những hộ khá giả. Đến nay, chả cá Lã Vọng vẫn là một món ăn nổi tiếng ở Hà Nội.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/b7/Ch%E1%BA%A3_c%C3%A1_L%C3%A3_V%E1%BB%8Dng_H%C3%A0_N%E1%BB%99i_th%C3%A1ng_2_n%C4%83m_2018_%281%29.jpg/800px-Ch%E1%BA%A3_c%C3%A1_L%C3%A3_V%E1%BB%8Dng_H%C3%A0_N%E1%BB%99i_th%C3%A1ng_2_n%C4%83m_2018_%281%29.jpg

36. Chả mực
Chả mực là món ăn được làm từ nguyên liệu chính là thịt mực giã hoặc xay nhuyễn, tạo hình bánh tròn rồi chiên chín. Quảng Ninh là nơi nổi tiếng với món ăn này.

Cùng với những món ăn nổi tiếng như phở, bún thang, chả cá Lã Vọng… Chả mực là một trong những món nằm trong top 50 món ăn đặc sản Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận.

https://i0.wp.com/live.staticflickr.com/1468/23957081230_4200d3ea28_b.jpg?ssl=1

37. Phở chua
Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Tô phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không.

Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

https://i0.wp.com/statics.vinpearl.com/pho-chua-lang-son-1_1631440713.png?ssl=1

38. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu, nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.

Cách làm cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2b/Th%E1%BB%8Bt_tr%C3%A2u_g%C3%A1c_b%E1%BA%BFp_T%E1%BA%A3_Ph%C3%ACn_H%E1%BB%93.jpg

39. Lợn cắp nách
Sở dĩ gọi là lợn cắp nách vì chúng có khối lượng và ngoại hình rất nhỏ bé, phổ biến chỉ khoảng từ 10 – 20 kg nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách cho tiện và cái tên lợn “cắp nách” hay “lợn lửng” được bắt nguồn từ đó.

Lợn “cắp nách” là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 – 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.

https://i0.wp.com/kenh14cdn.com/2019/1/9/5-1547012223855538373339.jpg?ssl=1

40. Cơm lam
Thêm một món ăn nữa là đặc sản ở các vùng núi, đó là cơm lam. Đây là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa…. và nướng chín trên lửa. Cơm nấu xong dậy mùi thơm của gạo lẫn mùi tre, ăn dẻo dai lại có vị ngọt bùi, có thể dùng kèm với muối vừng hoặc thịt nướng.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/e3/C%C6%A1m_lam_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn.jpg/640px-C%C6%A1m_lam_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn.jpg

41. Dê núi Trường Yên
Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác. Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê…

Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế…

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/ce/T%C3%A1i_d%C3%AA.jpg/800px-T%C3%A1i_d%C3%AA.jpg

42. Gà nướng Kon Plông
Gà nướng vốn là món ăn nhắc đến đã cảm thấy vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng gà nướng Kon Plông còn được coi là món ăn đặc sản hàng đầu mê hoặc của vùng núi rừng Tây Nguyên.

Đây là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món Gà nướng Kon Plông, gà được làm sạch sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả (đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than.

Vừa nướng vừa tiếp tục quết hành phi, xì dầu lên. Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.

https://i0.wp.com/kontumtrip.com/wp-content/uploads/2021/03/com-lam-ga-nuong-pho-nui-3.jpg?ssl=1

43. Hủ tiếu Mỹ Tho
Nếu Châu Đốc nổi tiếng với bún mắm, ẩm thực Sóc Trăng gọi tên bún nước lèo thì hủ tiếu Mỹ Tho chính là đặc sản nổi tiếng nhất của Tiền Giang và là món ăn mà ai về miền Tây cũng sẽ dễ dàng bắt gặp ở bất cứ hàng quán nào. Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế… ở chỗ không ăn với giấm, rau ghém mà dùng giá, hẹ, chanh, ớt, nước tương.

Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm). Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng. Hủ tiếu Mỹ Tho không có tôm và trứng cút như hủ tiếu Nam Vang mà chỉ là hủ tiếu lòng, hủ tiếu sườn hoặc thịt nạc sắp lên trên.

https://i0.wp.com/www.vtr.org.vn/FileManager/Anh%20web%202018/Thang7/BE8A1130%20(1).jpg?ssl=1

44. Cao lầu
Cao lầu là một món ăn đặc trưng của Hội An và Quảng Nam. Đây là món mì có sợi to, tương tự mì udon, nhưng là mì trộn, với nhân gồm có rau sống, thịt lợn nướng và đặc biệt là bì rán giòn tan. Lịch sử ra đời của món cao lầu thì không ai rõ, nhưng điều kỳ lạ là người ta nói cao lầu bắt nguồn từ người Tàu, còn người Tàu lại không nhận món này bắt nguồn từ họ.

Theo truyền thuyết, tinh tế của cao lầu ở sợi mì, được làm từ bột gạo ngâm trong nước tro củi lấy từ Cù Lao Chàm, còn nước xay gạo thì phải lấy từ giếng Bá Lễ của người Chăm. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là một lời truyền miệng để món ăn thêm phần hấp dẫn bởi cách thức quá cầu kỳ, phức tạp.

https://i0.wp.com/images.baoquangnam.vn/Storage/NewsPortal/2020/6/23/89528/Bun-Rieu--Foody-01.jpg?ssl=1

45. Yến sào
Yến sào (tổ chim yến) được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, bởi có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ.

Cách chế biến: Ngâm tổ yến trong nước lã 3 – 4 giờ hoặc nước nóng 30 phút đến 1 tiếng. Khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc), nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào.

Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ngon như: chè yến, súp yến…

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4f/SwiftletBirdNests.jpg

46. Lẩu thả
Lẩu thả là món ăn của ngư dân vùng biển Mũi Né lúc du lịch chưa phát triển. Mọi người thường bỏ những thứ họ kiếm được từ biển vào một chiếc xô sắt, rồi đổ nước vào và nấu lên thành lẩu.

Đây là món ăn mà qua đó, người ta có thể khám phá những triết lý và ý nghĩa của ẩm thực Việt Nam. Cách trang trí cũng như các vị trong món lẩu thả bắt nguồn từ triết lý âm dương ngũ hành. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ứng với năm màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt.

https://i0.wp.com/photo-cms-nhandan.epicdn.me/w800/imgold/media/k2/items/src/4426/b51b81a3aeefb89ce6f09c67e007722b.jpg?ssl=1

47. Súp lươn
Thịt lươn sau khi làm sạch sẽ được xào chung với nghệ, ớt, tiêu xay. Nước dùng được ninh từ xương lợn, bò, xương cá và xương lươn. Đặc biệt không thể thiếu hành tăm – thứ hành chỉ có ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Súp lươn thường ăn kèm với bánh mì hoặc bánh mướt (giống bánh cuốn nhưng người ta không cuốn lại và không có nhân). Bánh mướt được tráng mỏng, không nhân. Sau đó cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/1/1d/S%C3%BAp_l%C6%B0%C6%A1n_%26_b%C3%A1nh_m%C6%B0%E1%BB%9Bt.jpg

48. Cơm hến
Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Huế, được chế biến từ cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, môn bạc hà, bẹ chuối, rau má, rau thơm, giá đỗ, tóp mỡ hoặc bóng bì chiên giòn, sợi mì chiên giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, ớt chưng, tiêu, bột ngọt và muối.

Tất cả nguyên liệu đều để nguội, duy có nước hến phải được giữ cho nóng sôi. Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan một chút nước hến. Cơm hến thường được ăn với ớt thật cay mới đúng vị.

https://i0.wp.com/www.vtr.org.vn/FileManager/Anh%20web%202019/Thang%207/0110/com%20hen.jpg?ssl=1

49. Mì Quảng
Mì Quảng không phải là thứ mì nước, hay mì xào mà là thứ mì trộn. Nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, cá lóc, cua… Có cả mì chay cho người ăn chay. Tùy theo người thích ăn nhân nào sẽ có một bát mì như ý.

Khi ăn mì không thể thiếu bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, đậu phộng rang và dĩa rau sống (rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, rau húng, diếp cá, xà lách…) đi kèm.

https://i0.wp.com/live.staticflickr.com/1783/42946018481_66f3e0e3ed_b.jpg?ssl=1

50. Cá bống sông Trà
Từ lâu, cá bống sông Trà được xem là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Quảng Ngãi. Đặc biệt là vào những tiết trời lạnh thì món cá bống trở nên rất đặc biệt. Vị vừa cay nhẹ, vừa vị ngọt của cá, vừa vị béo của dầu khi kho tiêu thì cơm ăn bao nhiêu cũng không đủ.

Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão. Cá bống làm sạch, ướp nước mắm ngon, tiêu, nước màu… để độ mươi phút. Sau đó đổ thêm nước mắm ngon vào trách (nồi nấu) sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín.

https://i0.wp.com/topplus.vn/Userfiles/Upload/images/DSC00702.jpg



Trên đây là danh sách mình sưu tầm được, mời bạn cùng góp vui nhé! ^^

_Trần Phương_
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.8K
Latest Member