Thursday, 03 November 2022
  0 Replies
  312 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Thời đại công nghệ số, internet phát triển mạnh, việc con trẻ vào máy tính, điện thoại nối mạng để học tập, giải trí, giao lưu… không còn là chuyện xa lạ với nhiều gia đình. Nhưng ở tuổi của các trẻ, sự hiểu biết còn non nớt nên dễ gặp những rủi ro, cạm bẫy từ thế giới mạng. Vì thế, các bậc phụ huynh phải luôn chú ý để hỗ trợ, giúp con trẻ an toàn khi tham gia môi trường mạng.

Gần đây, Cục Báo Chí thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã bàn tới vấn đề trên trong một hội nghị tổ chức ở TPHCM. Tại đây, các chuyên gia cũng đã trình bày về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, giúp trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trong thế giới mạng.
https://i.imgur.com/fqOgL0s.jpg
Để con trẻ lên mạng được an toàn, người lớn cần quan tâm dõi theo và hỗ trợ, giúp các em giải quyết khó khăn, tránh những rủi ro…

Phụ huynh đừng rời việc theo dõi con trẻ trên mạng

Nhiều tình huống xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội khi con trẻ tham gia mà nếu người lớn không để ý, không đồng hành cùng con, sẽ có nguy cơ xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.

Một phụ huynh chia sẻ rằng trong lúc chăm con, chăm cháu… có hay cho trẻ vào xem youtube và gặp phải những đoạn quảng cáo không phù hợp, anh đã xử lý bằng cách đổi qua nền tảng khác, không để trẻ tiếp tục xem chương trình đó nữa.

Cũng có những phụ huynh bày tỏ mối lo khi con trẻ ở độ tuổi mới lớn, hay vô TikTok, đôi khi ở nền tảng này thấy cũng xuất hiện những đoạn đâm chém, bạo lực…

Hay có người mẹ lại kể câu chuyện con gái 8 tuổi của mình trò chuyện qua zalo với một bạn thân khác lớp và vô tình “chê” cô giáo của lớp đó, rồi cô bạn của con lại chụp đoạn tin nhắn này chia sẻ cho nhóm bạn trong lớp, lập tức có những bạn vì bênh cô giáo của mình nên không những phản đối lại bằng các bình luận nặng lời mà còn định “gặp đứa dám chê cô mình để cho nó một trận”, khiến cô bé lo lắng, sợ hãi, không dám đi học… Và người mẹ có con gái trong cuộc đã phải có động thái can thiệp bằng cách gặp cô bạn thân của con để trao đổi, nói bé thu hồi lại đoạn tin nhắn ấy và giải thích cho bạn bè hiểu “đây là suy nghĩ cá nhân của bạn mình, mong các bạn thông cảm, bỏ qua”… Khi ấy câu chuyện xung đột giữa các trẻ mới lắng xuống.

Đó là những câu chuyện, mối bận tâm được các phụ huynh chia sẻ khi được hỏi đã quan tâm thế nào đến việc con trẻ vào các nền tảng trên mạng xã hội.

Theo một khảo sát được thông tin tại hội nghị trên thì có 2/3 trẻ em Việt Nam có thể vào các thiết bị kết nối internet, trong đó gần một nửa các bé có thời gian sử dụng trung bình 3 - 4 tiếng 1 ngày. Còn báo cáo mới nhất của Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc) công bố vào tháng 8 vừa qua đã cho thấy, việc trẻ vào internet có điều đáng lo ngại khi trong số các em được khảo sát có 1% trẻ bị dụ dỗ gởi những hình ảnh, đoạn phim nhạy cảm của bản thân; 1% bị chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu trò chuyện về tình dục…

Vậy là, không thể phủ nhận một điều, song song với vô vàn những tích cực, internet cũng có những mặt tối. Với trẻ em, trải nghiệm trên mạng đầu tiên có vẻ rất tuyệt vời nhưng các em rất dễ bị dẫn dụ và tổn thương bởi những hiểm họa khôn lường. Những thông tin, những đoạn phim tưởng chừng như vô hại rất có thể là vỏ bọc của những con quái vật, không ai biết nó sẽ xuất hiện khi nào, ở đâu và ai là người đứng đằng sau nó. Chúng có thể đưa ra những thử thách cho các em như là cạo đầu, cắt tay, ăn trộm, thậm chí còn dụ dỗ các em gởi những thông tin quan trọng và những tấm ảnh nhạy cảm của bản thân. Chúng gieo vào đầu các em rằng làm vậy mới dũng cảm, còn nếu không, chỉ là đồ vô dụng, hay có khi mạt sát, bêu xấu, chê bai, dọa sẽ công bố những bí mật của các em cho mọi người biết. Chúng khiến các em muốn tự tử, chết đi để không phải đối mặt với những điều khủng khiếp… Vì trẻ em là đối tượng không có năng lực bảo vệ mình nên luôn là đích nhắm của kẻ xấu. Việc tách rời khỏi sự theo dõi của người lớn, tin theo những thông tin ẩn sau vẻ bề ngoài tích cực, hài hước, các em sẽ dễ dàng rơi vào bẫy, dễ bị thao túng để rồi luôn sống trong trạng thái sợ hãi, không ổn định…
https://i.imgur.com/5jjqq1H.jpg
Những hiểm họa khôn lường trên mạng có thể gây ra từ những kẻ ẩn danh, giấu mặt…

Hỗ trợ để bảo vệ con

Theo bà Đinh Thị Như Hoa - chuyên gia làm việc tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng là một trong hai diễn giả của hội nghị, thì internet có hai mặt sáng và tối, thay vì gạt chúng ra khỏi cuộc sống của mình, chúng ta phải hiểu được chỗ nào là ánh sáng, chỗ nào là bóng tối… Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức và cho con trẻ biết về những tác hại có thể có trên mạng, giúp các em biết phân biệt tốt và xấu, có những biện pháp tự bảo vệ mình hữu hiệu. Bởi có một sự thật đáng ngại là khi bị xâm hại trên môi trường mạng, trẻ em thường không kể với ai về những tình huống này, nếu có kể thì kể với bạn bè… Trẻ không dám nói là bởi vì tự ti, lo sợ về việc bị mọi người phán xét hay là người lớn chưa thực sự nói cho trẻ biết bằng cách này cách khác, trẻ chưa được đào tạo, không biết các đường dây nóng, cũng như những cơ quan có thể đồng hành, hỗ trợ…? Thực tế ghi nhận, nhiều trường hợp bị bắt nạt, gặp rắc rối trên mạng nhưng có đến 3/4 số trẻ được hỏi lại không biết gì về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác…

Và nữ chuyên gia đã đưa ra các nguyên tắc để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Trẻ em được chia ra từng độ tuổi với sự rủi ro thường gặp. Trong đó, ở độ tuổi từ 6 - 11 là lứa tuổi mà trẻ đã bắt đầu học tập và tìm hiểu tương tác trên môi trường mạng trong một giới hạn nhất định, bắt đầu hình thành các kỹ năng số. Rủi ro mà các bé có thể gặp là rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân, tiếp cận thông tin không phù hợp, nội dung độc hại, bị kết bạn xấu, bị bắt nạt hay bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Vì thế, trẻ cần được trang bị một số kỹ năng như quản lý quyền riêng tư, tự cài đặt mật khẩu, biết thông tin gì có thể chia sẻ được hay không nên, quản lý thời gian tiếp xúc… Các bậc cha mẹ nên cùng thiết lập quy tắc sử dụng internet cho con; đào tạo, hướng dẫn trẻ nhận biết rủi ro trên môi trường mạng và biện pháp phòng tránh; cài đặt một số ứng dụng theo dõi, giám sát, hỗ trợ… Với độ tuổi từ 11 - 16 thì phụ huynh không thể cấm trẻ vào internet được mà quan trọng là tôn trọng quyền sử dụng mạng của con và dạy trẻ cách thức để đảm bảo an toàn… 13 tuổi, các trẻ đã có quyền được sử dụng mạng xã hội. Cha mẹ hãy cho con biết những rủi ro và khi gặp thì con nên nói ra để được trợ giúp. Ở giai đoạn tuổi mới lớn này, các em đã hình thành những kỹ năng, đã biết chụp ảnh “seo-phi”, tham gia các thử thách nguy hiểm hoặc kết bạn xấu, nguy cơ bị bắt nạt, xâm hại tình dục trên môi trường mạng phổ biến hơn nên người lớn cần nhắc trẻ cẩn thận trước khi chia sẻ thông tin, cẩn thận đối với người khác trên mạng xã hội… Cha mẹ luôn phải đồng hành, tạo được sự tin tưởng để con có thể chia sẻ và lắng nghe con để xử lý các tình huống khó khăn khi trẻ gặp phải…

Trước sự phát triển của công nghệ ngày nay, đã có những công cụ, thiết bị hỗ trợ hay nền tảng riêng cho trẻ… Các phụ huynh cũng nên tìm hiểu thêm để trang bị, cài đặt, giúp cho việc bảo vệ con trẻ được an toàn hơn trên không gian mạng.
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!