By Thanh Tiếp on Wednesday, 23 November 2022
Replies 0
Likes 0
Views 283
Votes 0
Cuộc sống của chúng ta trên không gian mạng đang phát triển không ngừng. Internet và sự phát triển nhanh chóng của các công cụ truyền thông số đang kết nối mọi người gần nhau hơn. Bên cạnh những hiệu quả tích cực mà Internet mang lại cho con người thì còn có một số vấn đề đáng lo ngại nhất là đối với trẻ em, với rủi ro khó lường và mối đe doạ bị tổn hại.

Trẻ em và vấn đề an toàn trên môi trường mạng là một trong những nội dung mà trẻ em đưa ra Diễn đàn Trẻ em lần thứ 9 được tổ chức tại tỉnh ta vào tháng 7/2022

Một trong những rủi ro đó là lợi dụng Internet và công nghệ số nhằm phục vụ mục đích bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em. Dụ dỗ qua mạng, chia sẻ văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em và phát trực tiếp hành vi xâm hại trẻ em là những tội ác cần có hành động ứng phó khẩn cấp, đa ngành, trên quy mô toàn cầu để giải quyết triệt để.

Theo điều tra hộ gia đình của Dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại do các tổ chức quốc tế và UNICEF thực hiện, tại Việt Nam hiện nay có 89% trẻ em từ 12-17 tuổi có sử dụng Internet, nhưng chỉ 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. 77% người chăm sóc trẻ có sử dụng Internet hàng ngày, nhưng chỉ có 25% khuyến khích trẻ khám phá và học tập qua Internet.

Một con số điều tra đáng để các bậc làm cha mẹ và xã hội quan tâm đó là 1% người dùng Internet độ tuổi 12-17 tuổi ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng ở các hình thức như: hăm doạ, chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa được trẻ cho phép, hoặc hứa cho tiền hoặc quà để ép trẻ tham gia vào các hoạt động tình dục. Khả năng tỷ lệ này còn cao hơn bởi xu hướng trẻ ngại nói cởi mở về một chủ đề khá nhạy cảm.

Bắc Kạn hiện có trên 80.000 trẻ em, mặc dù chưa có số liệu thống kê, nhưng trên thực tế nhiều trẻ em trong các gia đình ngay cả ở thành thị hay nông thôn có cơ hội tiếp xúc với Internet qua máy tính hoặc điện thoại thông minh…

Trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đoàn thể, tổ chức quốc tế đã phối hợp tổ chức các hoạt động như: Diễn đàn trẻ em; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức an toàn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ em cũng như các gia đình chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng cũng như biết những kỹ năng sử dụng mạng an toàn để dạy cho trẻ.

Tháng 6/2021, Chính phủ lần đầu tiên thông qua Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng đến: bảo vệ thông tin, quyền riêng tư và bí mật cá nhân. Khi trẻ em tiếp cận thông tin và tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng; ngăn chặn và xử lý việc lợi dụng môi trường mạng để thực hiện hành vi gây tổn hại đến trẻ em, để các em có thể tự bảo vệ bản thân và tương tác an toàn trên môi trường mạng, đồng thời trình báo các vụ xâm hại trẻ em. 

Một trong những giải pháp thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đó là: Tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân; đồng thời cha mẹ cũng là những người “gác cổng”, áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ trẻ em. Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng. Đối với các cơ quan quản lý cần hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng./.

(Theo http://baobackan.com.vn)
View Full Post