By Thanh Tiếp on Friday, 25 November 2022
Replies 0
Likes 0
Views 91
Votes 0
Báo cáo đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect, cho thấy hai năm qua "Covid-19 đã tạo ra một "cơn bão hoàn hảo" để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu. Theo đó, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng đã đạt mức cao nhất tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định chưa bao giờ xâm hại trẻ em trên Internet nóng như hiện tại.


Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng như: đánh cắp thông tin cá nhân, xâm hại tình dục bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, cưỡng bức xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc livestream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời, hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ...
Thủ đoạn của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xâm hại thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các hội, nhóm) hay qua các phòng chat, game online. Sau đó, chúng tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền khiến trẻ tin tưởng. Kẻ xâm hại thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như gửi ảnh, quay video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có. Giai đoạn này thường quá khả năng xử lý của trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em trên mạng đã có khung pháp lý khá đầy đủ với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng. Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025, thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
 Bên cạnh đó, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 túc trực 24/24h để tiếp nhận mọi thông tin tố giác liên quan đến trẻ em. Ngay khi thông tin đến tổng đài, đơn vị sẽ kết hợp cơ quan Công an để xử lý ngay.
Trước thực trạng trên, để phòng tránh trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, Công an thị xã Kinh Môn khuyến cáo các bậc cha mẹ nên xây dựng mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Ngoài ra, cần trang bị cho trẻ những kiến thức như sau:
1. Chia sẻ, thống nhất với bố, mẹ và nghiêm chỉnh chấp hành những nguyên tắc sử dụng internet, các thiết bị điện tử.
2. Cài đặt quyền riêng tư, hạn chế người xem với các tài khoản mạng xã hội của mìn
3. Không cho người khác biết mật khẩu tài khoản mạng xã hội của mình (trừ bố, mẹ).
4. Không đăng tải bất kỳ thông tin riêng tư, hình ảnh tự sướng, phản cảm hoặc những bài viết không phù hợp lên mạng xã hội.
5. Không có trách nhiệm cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc cho người khác xem hình ảnh cá nhân qua webcam; không đi chơi với người quen trên mạng mà không có sự đồng ý của bố, mẹ.
6. Hãy bỏ qua, chặn và báo cáo những tài khoản có bình luận, gửi tin nhắn bắt nạt, bôi nhọ danh dự cá nhân hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm; hỏi ý kiến bố, mẹ trước khi tải, cài đặt bất kỳ phần mềm nào về máy tính, điện thoại.
7. Khi bản thân gặp những vấn đề khó chịu, lo sợ khi sử dụng mạng, hãy nhờ sự trợ giúp, tư vấn từ bố, mẹ hoặc bất kỳ ai tin tưởng và có khả năng giải quyết vấn đề. Gọi điện tới Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được giúp đỡ.

(Theo kinhmon.haiduong.gov.vn)
View Full Post