Friday, 25 November 2022
  0 Replies
  295 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
http://baobacninh.com.vn/documents/20182/1105516/tre-em.jpg/e03093c0-dc36-41e7-a099-b9d4f8c2749a?t=1625270331327

Cạm bẫy khôn lường

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF),Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng Internet với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30%. Không chỉ trở thành công dân số từ rất sớm, internet ngày càng gắn bó chặt chẽ với trẻ em trong đủ các mặt hoạt động: Học tập, vui chơi, giải trí, tìm hiểu kiến thức, liên lạc, giao lưu, kết bạn... Và trong bối cảnh một mùa hè giãn cách xã hội phải hạn chế các hoạt động bên ngoài hiện nay thì tần suất trẻ em tham gia vào không gian mạng chắc chăn sẽ tăng lên.
Không thể phủ nhận việc sử dụng Internet từ sớm thông qua các thiết bị kết nối thông minh giúp trẻ em có cơ hội mở ra cánh cửa kho thông tin, kiến thức khổng lồ trên toàn thế giới, làm thay đổi đáng kể cách các em giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi… Điều này phù hợp với quy luật phát triển xã hội khi mọi lĩnh vực đời sống đều đang bước vào quá trình chuyển đổi số. Song không gian mạng cũng như “con dao hai lưỡi”, các em vừa có thể tiếp cận những điều bổ ích, vừa đối diện với rất nhiều nguy cơ, hiểm họa. Hàng ngày, hàng giờ, rất nhiều trẻ em đang bị xâm hại bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thông tin giả (fake new); bị bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ truy cập vào trang wed, clip có thông tin xấu độc, hoặc nội dung nguy hại (lừa đảo, cờ bạc, cá độ, thậm chí tôn giáo, chính trị…) được gửi kèm hoặc hiển thị trong các phần mềm chơi game, xem phim. Trong đó, xâm hại tình dục là một trong các nguy cơ gây tổn thương sâu sắc và để lại những hệ lụy lớn cho trẻ.
Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Tại Bắc Ninh, số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho thấy số lượng các vụ xâm hại trẻ em có liên quan đến không gian mạng có dấu hiệu gia tăng những năm gần đây. Trong các chương trình tham vấn trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố, nhiều em cho biết mình từng có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet như: Tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, khiêu dâm; bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân, trở thành nạn nhân của các vụ cô lập, bắt nạt qua mạng… Nguy hiểm hơn, vì ở lứa tuổi nhận thức chưa chín chắn nhưng lại ưa thích thể hiện nên nhiều em dễ bắt chước các trào lưu, trò chơi trên mạng. Thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ em học theo video trên mạng xã hội dẫn tới những tai nạn đáng tiếc, thậm chí tử vong… để lại nỗi thương tâm, bàng hoàng cho gia đình và xã hội.

Thêm những lá chắn bảo vệ

Theo bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), thời gian qua, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành góp phần dựng nên các “lá chắn” để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Cụ thể, Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình này có “mục tiêu kép” bao gồm: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Chương trình cũng đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá như: Triển khai các giải pháp công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…) để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em; thành lập và tổ chức hoạt động của mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111…
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh triển khai chương trình đến tất cả các cấp ngành, địa phương, trường học, các gia đình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng… Trong đó chú trọng xây dựng, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục “bộ kỹ năng số” cho trẻ em với các kỹ năng thiết yếu để tự bảo vệ trên không gian mạng như: Kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh; cách tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội hội cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phát hiện tẩy chay những nội dung, thông tin, hình ảnh, clip xấu, độc để các cơ quan chức năng kịp thời gỡ bỏ, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm. Trong mỗi gia đình, các bậc phụ huynh thay vì buông lỏng quản lý hay cấm đoán một cách cực đoan, hãy dành thời gian quan tâm, hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ khi tiếp cận, sử dụng internet, mạng xã hội... Sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và chủ động của chính trẻ em chắc chắn sẽ thiết lập những lớp “lá chắn” vững vàng giúp trẻ được bảo vệ, tham gia vào không gian mạng một cách an toàn, lành mạnh.

(Theo http://baobacninh.com.vn)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.3K
Latest Member