Friday, 25 November 2022
  0 Replies
  296 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, đã được quy định rõ trong Hiến pháp Việt Nam. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ không gian số như hiện nay, trẻ em trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất bởi các hình thức, tấn công tình dục, bắt nạt qua mạng và hàng trăm kiểu lừa đảo, dụ dỗ...

Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Báo chí đã tổ chức khóa tập huấn ngày 24/8/2022 tại khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt cho đội ngũ phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí trong cả nước. Với mục tiêu giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ hơn về quy định pháp luật, hiện trạng thực tế và xu hướng công nghệ, làm tốt hơn tuyên truyền và hỗ trợ tương tác cho trẻ em trên môi trường mạng.

S.O.S

Dự án của UNICEF mang tên: Ngăn chặn hành vi gây tổn hại. Nghiên cứu được thực hiện ở 7 quốc gia Đông và Nam Phi và 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, một số liệu mới nhất trong 9 tháng gần đây, điều tra hộ gia đình mang tính đại diện toàn quốc đối với 994 người dùng Internet là trẻ em từ 12-17 tuổi và một người chăm sóc của trẻ, 1% người dùng Internet là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục (BL&XHTD) qua mạng.

Các hình thức BL&XHTD trẻ em qua mạng gồm: hăm dọa (blackmail), chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa được trẻ cho phép, hoặc hứa cho tiền hoặc quà để ép trẻ tham gia vào các hoạt động tình dục. Mặc dù tỷ lệ này có vẻ thấp, nhưng khi nhân với dân số quốc gia, thì con số ước tính lên đến khoảng 94.000 trẻ bị BL&XHTD qua mạng chỉ trong một năm. Theo dữ liệu về tất cả các hình thức BL&XHTD trẻ em (bao gồm cả qua mạng) do Văn phòng INTERPOL tại Hà Nội, có 4.320 vụ trong 3 năm từ 2017-2019.
https://cdn.thoibaonganhang.vn/stores/news_dataimages/minhvl/082022/24/17/5936_IMG-7659_Copy.jpg

Internet có thể là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Thực tế rằng việc dành thời gian lên mạng chắc chắn sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro khó lường và mối đe dọa bị tổn hại. Đặc biệt là các vụ liên quan đến văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE).

Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), số lượng báo cáo hàng năm cho CyberTipline đã tăng nhanh chóng từ dưới 10.000 vào năm 1999, lên hơn nửa triệu vào năm 2013, lên hơn 1 triệu vào năm 2014; và lên hơn 16 triệu chỉ vào năm 2019. Trong khi số lượng báo cáo đã tăng lên ở mức gần như không thể tưởng tượng được trong những năm gần đây, hành vi dụ dỗ trẻ em qua mạng xã hội cũng cho thấy sự gia tăng đột biến, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng CyberTip lớn nhất thế giới và đứng thứ 13 thế giới năm 2019.

Nghiên cứu sử dụng công cụ Google Trends cho thấy có mối quan tâm rất lớn đến văn hóa phẩm có nội dung XHTDTE tại Việt Nam, bao gồm cả những nội dung hình ảnh, video mô tả hoạt động tình dục với và giữa các trẻ vị thành niên, với trẻ em và trẻ sơ sinh. Gần đây, Việt Nam cũng là một điểm đến tiềm năng của tội phạm tình dục.

Tất cả các điều trên cho thấy, các số liệu trong điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại có thể thấp hơn thực tế. Nên nhớ rằng, có 4 trên 9 hoạt động nghiên cứu của dự án này được thực hiện tại Việt Nam, còn lại vì lí do khách quan các hoạt động còn lại đã không được tiến hành.

Nhà nước và xã hội cùng vào cuộc

Các biện pháp bảo vệ quan trọng được nêu trong Luật Tố tụng hình sự (2015) và Luật Trẻ em (2016), Luật An ninh mạng (2018), Luật Tiếp cận thông tin(2016),... nhằm giảm thiểu khả năng nạn nhân BL&XHTD. Tuy nhiên, phân tích pháp lý lại chỉ ra những bất cập trong khung pháp lý về phòng chống và ứng phó với BL&XHTD trẻ em qua mạng. Dụ dỗ qua mạng, phát trực tiếp (livestream) hành vi XHTDTE, quấy rối tình dục và tống tình (sexual extortion) qua mạng không được hình sự hóa đầy đủ, cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Mặc dù việc sản xuất, buôn bán và sở hữu với mục đích phát tán bất kỳ văn hóa phẩm khiêu dâm nào là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng văn hóa phẩm về XHTDTE không được định nghĩa hay ngăn cấm cụ thể và có hình phạt thỏa đáng.

Lần đầu tiên Chính phủ thông qua Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Trong đó có mục tiêu đến 2025, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

Hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu", làm trong sạch không gian mạng. Việc này đòi hỏi sự tuyên truyền đúng đắn, nâng cao nhận thức của từng cá nhân và tổ chức xã hội. Mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok nên tự ý thức những hành động của mình, nên nhớ ai cũng có gia đình, ai rồi cũng có người mình phải bảo vệ, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Các trang web tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam: tự thực hiện phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; nếu có cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em, tự triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em. Doanh nghiệp cùng tham gia phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn. Biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nâng cao tính sẵn có, độ nhạy và hiệu quả của cơ chế trình báo, đảm bảo rằng Tổng đài 111 có thể thực hiện các chức năng cần thiết của một đường dây nóng và đường dây/tổng đài trợ giúp, hoặc một cách nữa là: bổ nhiệm một cơ quan có thể thực hiện chức năng như một đường dây nóng, tức là có khả năng gỡ nội dung XHTDTE. Tiếp tục duy trì hệ thống mà Tổng đài 111 đã bắt đầu tiến hành từ năm 2020: thu thập dữ liệu phân tách các vụ việc BL&XHTD trẻ em qua mạng để củng cố chính sách.

Cấm con đúng hay sai, vai trò của phụ huynh

Các chuyên gia đưa ra 4 nhóm tuổi phân loại trẻ tham gia trên không gian mạng: Trẻ từ 0-3 tuổi, trẻ từ 3-6 tuổi, 6-11 tuổi và 11-16 tuổi. Với các nhóm trẻ dưới 11 tuổi, các ông bố bà mẹ có thể dùng các hình thức cấm đoán và kiểm soát chặt. Nhưng nếu áp dụng phương pháp này với nhóm tuổi dậy thì có khi phản tác dụng. Đặc biệt, với kĩ thuật công nghệ theo sự phát triển của xã hội liệu các ông bố bà mẹ còn bắt kịp xu hướng.

Để giúp cho con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần tạo nguyên tắc, trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như: Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ; Kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; Đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.

Sử dụng giải pháp công nghệ, cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Ví dụ như: Cryberpurify, Google Famil Link,... Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.

Khuyến khích việc giao tiếp an toàn và liên tục giữa trẻ em và người lớn đáng tin cậy về đời sống trên mạng (và ngoài đời thực) của các em. Việc bình thường hóa những trao đổi về hoạt động trên mạng sẽ tăng khả năng trẻ em chia sẻ những mối lo ngại, rủi

ro và trải nghiệm gây hại có thể gặp phải. Hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp trên mạng xã hội, hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng. Sai phạm luôn nằm ở người lớn, bản thân các em đã làm người chăm sóc của mình và người khác thất vọng nên càng giấu diếm. Không nên phản ứng một cách phán xét hay áp dụng cách trừng phạt. Cho nên, việc đồng hành cùng con của bậc cha, mẹ giúp trẻ hiểu nguy cơ và giải pháp ứng phó có vẻ là phương pháp khôn ngoan cả. Cha, mẹ làm bạn cùng con sẽ giúp con dễ dàng chia sẻ hơn, phòng bệnh hơn chữa bệnh.

(Theo thoibaonganhang.vn)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!