Saturday, 26 November 2022
  0 Replies
  266 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Dịp nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian hơn để giải trí, phụ huynh cũng muốn tạo điều kiện cho con thoải mái vui chơi, sinh hoạt. Nắm bắt tâm lý này, các đối tượng lừa đảo trên mạng ra sức tung lắm chiêu trò lừa đảo các em.

Cạm bẫy rình rập
H. (học sinh cấp 3 ở TP Quy Nhơn) có ngoại hình khá xinh xắn, ấp ủ mong muốn đi làm thêm để kiếm tiền mua sắm quần áo. Kết thúc năm học, H. vào trang facebook giới thiệu việc làm thêm tại nhà cho học sinh và được yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc. Hỏi han kỹ lưỡng vài ngày, chủ trang facebook yêu cầu H. chuyển tiền đặt cọc 200 nghìn đồng rồi mới giới thiệu việc. Sau hai ngày suy nghĩ, H. quyết định chuyển tiền và hồi hộp chờ. Chủ tài khoản trang facebook báo tin đã nhận được tiền và hứa sẽ phản hồi sớm nhưng gần một tuần qua, mọi câu hỏi của H. chỉ nhận lại sự im lặng.
https://baobinhdinh.vn/viewimage.aspx?imgid=220647
Nhiều học sinh hứng thú chia sẻ với báo cáo viên Bùi Tiến Hưng. Ảnh: N.T 

Cũng giống như H., K. từng rất tự tin với bạn bè rằng, “mình là kiểu người không dễ bị lừa”. Nghiên cứu thật kỹ những trang đầu tư tiền tệ, K. chọn một trang có nhiều phản hồi tốt, chuyển khoản 200 nghìn đồng. Tầm vài tiếng đồng hồ sau, số tài khoản của K. báo tin đã nhận được 250 nghìn đồng, trong đó có 50 nghìn đồng tiền lãi. Quá hào hứng, K. chuyển tiếp vào “số tài khoản sinh lời” ấy 500 nghìn đồng; kết quả sau 1 ngày chờ đợi, tương tác của K. đã bị chặn.
Nóng hổi nhất là vụ việc một thiếu nữ đang tuổi ngồi ghế nhà trường ở tỉnh Phú Yên cũng tin lời hứa trên mạng về cơ hội “việc nhẹ, lương cao, ăn ở miễn phí”, nhưng thực tế bị đưa sang tận Campuchia, nhốt vào chỗ trọ có người canh giữ nghiêm ngặt, được tìm thấy và đưa về nhà cuối tháng 6 vừa qua. Nhiều người lắc đầu ngao ngán, bởi không phải ai cũng may mắn như thiếu nữ này.
Nhiều học sinh chưa có kỹ năng dùng mạng xã hội
Nhận định trên được ông Bùi Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên niên kỷ (TP Hồ Chí Minh) đưa ra sau 5 buổi làm báo cáo viên cho chiến dịch truyền thông nhân Tháng hành động vì trẻ em do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai cuối tháng 6.2022 tại huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Ông Hưng cho rằng, đa số học sinh mà ông tiếp xúc chưa hiểu rõ sự quan trọng và cần thiết của việc trang bị kiến thức, kỹ năng để có được “bộ lọc” nhất định trên không gian mạng. Các em còn nặng áp lực về học hành, chưa tự tin thể hiện mình, nhận diện và mạnh dạn trao đổi những nguy cơ gặp phải trong quá trình tương tác trên mạng xã hội, thậm chí có xu hướng giấu diếm, sợ người lớn biết mình sử dụng mạng xã hội, vào trang facebook, zalo đó tìm kiếm thông tin.
“Một số bạn biết rất nhiều thứ trên mạng nhưng cũng gần như không biết gì cả. Tức là biết nhiều thứ không liên quan đến cuộc sống, nhu cầu, sự phát triển hiện tại của mình, trong khi những thứ cần biết thì lại không quan tâm đúng mức. Thế nên, khi đối mặt với nguy cơ hoặc thậm chí bị dụ dỗ, các bạn lúng túng, hành xử cảm tính và dễ dàng rơi vào cạm bẫy đã giăng sẵn”, ông Hưng đánh giá.
Mở rộng nguyên nhân dẫn đến việc này, ông Hưng cho rằng một phần do những người làm cha mẹ đã “thả nổi các em trên không gian mạng”. Trên thực tế, thời gian qua, sau khi mua cho con máy vi tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến, thi trực tuyến trong bối cảnh phòng, chống Covid-19, nhiều người chủ yếu do áp lực công việc đã hầu như không còn thời gian để kiểm soát con dùng mạng xã hội. Cũng có không ít người lớn thiếu hiểu biết, không dành thời gian nghiên cứu, a dua theo những trang mạng xã hội gây sốc, giật gân, khiến con cái trong nhà bị ảnh hưởng xấu theo. 
Vẫn luôn cần sự quan tâm của người lớn
Liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, nhiều người sẽ rùng mình nhắc đến không ít vụ bạo lực học đường xuất phát từ việc thách đố đánh nhau trên mạng xã hội từ đầu năm đến nay ở các tỉnh bạn với những lý do rất “trẻ con” - đôi khi chỉ là chê bai ngoại hình, nói xấu, dèm pha nhau…
Theo một số chuyên gia tâm lý, trẻ ở trường đối diện với áp lực thi cử, học tập. Ở lứa tuổi mới lớn, các em thích thể hiện bản thân, suy nghĩ chưa chín chắn, những xích mích nhỏ vô tình bị làm căng thẳng càng bùng lên thành những sự vụ lớn. Nhiều em không chia sẻ được với người thân, vô tình nhìn thấy những cách giải quyết tiêu cực lại cho rằng hợp lý và bắt chước, để lại hậu quả đau lòng.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà tâm lý cho rằng: Việc cấm sử dụng mạng xã hội là không hiệu quả. Trong thời đại 4.0 và xa hơn thế, quan điểm “đừng vẽ đường cho hươu chạy”, chẳng hạn như không mua điện thoại, không bắt mạng internet… chưa phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ hãy “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng”.
“Càng nhiều sự quan tâm, chia sẻ, định hướng, trẻ sẽ càng vững vàng trong không gian mạng, sử dụng an toàn những mạng xã hội có tính “hai mặt””, ông Hưng bày tỏ.

(Theo binhdinh.gov.vn)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!