Monday, 28 November 2022
  0 Replies
  319 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Nằm kề bên con sông Ngũ Huyện Khê, làng Dương Ổ (có tên gọi khác là Đống Cao) thuộc phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh - một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống và giấy công nghiệp nổi tiếng khắp cả nước.
https://bacninh.gov.vn/documents/20182/21394434/giay+do.jpg/9e4d580a-6471-4fea-9c48-9fc9a67fdb13?t=1621927406067
Tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn làm giấy dó (Ảnh nguồn Internet)

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giấy công nghiệp, việc sản xuất giấy dó dần bị thu hẹp hoặc chuyển đổi nghề khác. Thế nhưng, tại làng Dương Ổ vẫn còn có những gia đình, người thợ làm giấy dó truyền thống đang từng ngày cần mẫn với nghề mà cha ông để lại.

Theo tài liệu và nghiên cứu lịch sử cho thấy, nghề làm giấy dó ở Đống Cao có thể đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên (SCN). Khi đó, Thái Luân - người sáng chế ra giấy ở nước Đông Hán (Trung Quốc), trong một lần cùng 13 người bạn vi hành tới phương Nam. Đến thành Đại La, mỗi vị đã dạy cho dân một nghề thủ công khác nhau. Vốn giỏi nghề làm giấy nên Thái Luân đã dạy cho dân làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và Đống Cao (xứ Kinh Bắc) nghề làm giấy dó. Sau khi ông mất, dân làng 2 thôn: Yên Thái, Đống Cao tôn ông làm Tổ nghề. Ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm, 2 làng đều tổ chức giỗ Tổ nghề để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công truyền nghề thuở sơ khai.

Một tờ giấy dó đúng tiêu chuẩn dai, bền phải trải qua gần 10 công đoạn. Tuân thủ đúng theo các công đoạn đó, giấy dó có thể lưu giữ cả trăm năm. Nguyên liệu làm giấy dó là cây dó mọc trên rừng được khai thác chuyển về, bóc lấy vỏ phơi khô cho vào bể ngâm nước 48 giờ đồng hồ, sau đó ngâm với nước vôi đặc rồi cho vào thùng phi đun liên tục trong 24 giờ, đem vớt ra rửa sạch, giã nhuyễn tạo bột, kết hợp với chất nhầy từ nhựa cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước loãng hay đặc tùy theo loại giấy. Công đoạn tiếp theo là xeo giấy. Bột giấy được múc vào liềm ở trong khuôn rồi dùng tay rung đều khi đủ độ dầy của tờ giấy mới thôi, đặt khuôn vào giá và cầm liềm đặt từng tờ giấy lên đống. Xeo giấy là khâu quan trọng của nghề làm giấy. Nó thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, quyết định chất lượng sản phẩm giấy.

Giấy dó dùng để làm nền cho dòng tranh dân gian Đông Hồ, thể hiện được những tiết tấu, mầu sắc, hoạ tiết hoa văn và cốt cách tâm hồn những nghệ nhân Song Hồ (Thuận Thành). Giấy dó còn được các cô hàng xén bầy bán ở sạp phục vụ các nho sinh và những ông đồ dạy học ở khắp vùng quê; giấy dó giúp cho các dòng họ ghi lại gia phả lưu truyền. Ngoài ra, một số loại giấy dó như giấy tăng sin dùng để quấn trong các quả pin chống ẩm, sản phẩm tầng cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh; giấy dùng làm quạt, phục dựng các ấn bản sách cổ...

Hiện nay, có đa dạng các mẫu giấy dó nhưng chủ yếu là giấy khổ 30x40cm và 60x80cm. Giấy không chỉ xuất bán cho những nghệ nhân ở làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, Viện Hán Nôm, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội....mà còn xuất sang Pháp để làm tranh cổ động. Công việc sản xuất giấy dó vất vả, tỉ mỉ là thế nhưng thu nhập đem lại cho những người thợ chẳng đáng là bao, cũng chỉ khoảng 100 – 200 nghìn/người/ngày. Hiện nay, tại làng Dương Ổ chỉ còn 3-4 hộ gia đình là còn duy trì nghề làm giấy dó truyền thống. Hầu hết các hộ đều chuyển sang làm giấy tái sinh.

Những người thợ Dương Ổ đều nhận thấy giấy dó ngày nay gặp khó khăn cho đầu ra. Phần vì thu nhập không cao, phần do nguyên liệu chính là giấy dó ở trên rừng thì bà con dân bản họ không trồng nữa mà chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ giấy dó là có, bởi vì giấy dó có tính dai, bền, hút ẩm tốt đã tạo nên sự độc đáo, giá trị khác biệt của loại giấy này so với các loại giấy khác.

Nghề thủ công làm giấy dó Dương Ổ, Phong Khê vẫn duy trì và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương giữ gìn một nét văn hoá đặc sắc của miền quê Kinh Bắc.


(Nguồn bacninh.gov.vn)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!