Saturday, 03 December 2022
  0 Replies
  407 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Dưới chân núi Nghèn ở thị trấn Can Lộc có một ngôi làng theo nghề dệt chiếu đã hàng trăm năm qua: Làng chiếu cói Nam Sơn. Từ lâu, chiếu cói Nam Sơn không chỉ được tiêu thụ ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn sang các tỉnh bạn. Vào thời được coi là “hoàng kim” cách đây hơn 20 năm, thương lái đã đưa sản phẩm chiếu cói Nam Sơn đi khắp nơi, phía nam vào tận chợ Lao Bảo (Quảng Trị), chợ Ba Đồn (Huế), ra tận các tỉnh phía bắc ra tới Nghệ An, Thanh Hóa tiêu thụ.

Lịch sử hình thành và phát triển nghề dệt chiếu Nam Sơn bắt đầu từ vị tổ dòng họ Nguyễn Duy cách đây khoảng 400 năm. Thuở ấy có một nhà buôn giàu có tên là Đỗ Đạm, người thôn Càn Miếu, xã Hương Cần, Quỳnh Lưu, bị người ghen ghét vu oan cho tội ăn cắp “quan vật”. Lúc này quan trấn xứ Nghệ An là Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, phụ tá theo hầu ông là tú tài Nguyễn My Thọ, đều là người Trảo Nha. Án kiện lên quan, Đỗ Đạm phải theo hầu kiện vào tận Trấn Dinh. Qua vùng đất Trảo Nha, lính áp giải nghỉ chân một đêm, nhờ đó ông gặp được tú tài Nguyễn My Thọ, bèn thực tình kể hết đầu đuôi cơ sự. Nhận thấy ông bị oan, hôm sau tú tài My Thọ theo đoàn áp giải vào Trấn Dinh gặp Tào Quận công trình trước sự việc. Lần ấy nhờ sáng suốt của Tào Quận công mà Đỗ Đạm được giải oan. Ông đội ơn mới đem vàng bạc châu báu đáp tạ song cả Tào Quận công lẫn tú tài My Thọ đều không nhận. Đương lúc chưa biết làm sao thì Đỗ Đạm biết chuyện tú tài My Thọ có vợ đã lâu chưa có con trai, mới ngỏ ý đem cô con gái đi theo cha hầu kiện là cô Rạng gả sang cho. Tú tài My Thọ đồng ý lấy cô Rạng. Cô về đất Trảo Nha làm dâu, gia tài đem theo là tay nghề dệt chiếu học được từ nhà mẹ đẻ, cô bèn truyền dạy cho bà con trong làng. Từ đó trở đi, ngôi làng ven chân núi ngoài trồng trọt săn bắt, lại có thêm một nghề sinh nhai mới: nghề dệt chiếu.

Làng Nam Sơn sau nhiều năm làm nghề đã cải tiến mẫu mã, chất lượng, dần trở thành một trong những trung tâm dệt chiếu lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Chiếu Nam Sơn tuy chỉ có vài loại hoa văn chủ yếu như chữ, hoa, chim, và sọc nhưng được ưu chuộng bởi độ bền màu, bền sợi, êm thoáng của tấm chiếu. Họ nhuộm cả sợi cói vào thùng màu để dệt hoặc cũng có thể dệt xong mới in màu lên, sau đó đem luộc để màu bám đều và bền trước khi xuất hàng. Trong làng có hộ mở xưởng in tập trung với khuôn in, lò nấu và sân phơi. Các nhà dệt chiếu xong sẽ tập trung lại, có khi đến hàng trăm chiếc mỗi lần rồi đưa đến xưởng in. Tại đây chiếu được dập hoa văn, rồi bó lại gác lên nồi hơi (còn gọi là luộc) để hơi nóng ngấm đều vào chiếu, sau đó mới đem ra hong khô. Làm như vậy hoa văn trở nên bền màu hơn hẳn. Ngoài ra, để chiếu được bền chắc, dùng lâu không bị ẩm mốc, người ta còn dùng lưu huỳnh hong chiếu: đốt một chậu than, bỏ lưu huỳnh vào lửa, bó chiếu lại đặt bên trên, hơi lưu huỳnh bốc lên ngấm vào chiếu. Cách làm này để giúp cho chiếu để lâu trong kho mà không bị mốc, ẩm dột. Chiếu Nam Sơn qua các công đoạn tỉ mỉ như vậy, độ bền có thể lên tới 15 năm.
http://baotang.hatinh.gov.vn/imagess/seoworld/Ngh%E1%BB%81_l%C3%A0m_chi%E1%BA%BFu_l%C3%A0ng_Nam_S%C6%A1n.JPG
Công đoạn dệt chiếu

Với chất lượng cao như vậy, thập niên 90 chiếu cói Nam Sơn nỗi tiếng khắc vùng Bắc miền Trung, là nguồn hàng của thương lái đến từ trong nam ngoài bắc, sang tận nước bạn Lào. Có thời điểm cung không đủ cầu, người dệt chiếu thức làm đêm mới đủ nguồn hàng, xe hàng tấp nập khắp các con ngõ Nam Sơn. Cả làng đều làm nghề dệt chiếu suốt ngày đêm để đủ hàng cho thị trường.

Kinh tế thị trường chuyển đổi cơ cấu, ngành công nghiệp dệt chiếu phát triển khiến cho nghề dệt thủ công không còn được chuộng do chi phí cao, giá bán sản phẩm thấp, nhiều gia đình buộc phải bỏ nghề đi kiếm kế sinh nhai khác. Nghề dệt chiếu Nam Sơn dần thu hẹp lại, chỉ còn lại 4-5 hộ là còn giữ nghề, và cũng chỉ khi nông nhàn, có khách đặt hàng họ mới đi cắt cói về dệt. Xưởng in không còn hoạt động nữa, chiếu được làm là chiếu trắng hoặc chiếu trắng in sọc màu. Họ cũng chưa có một tổ chức nghề nghiệp nào có tính chất gắn kết phường hội với nhau cho nên các hộ gia đình thường hoạt động độc lập, dựa vào tiếng tăm để thu hút khách hàng tìm đến. Đây cũng là một thực trạng chung của hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống nếu như không tìm được lối đi mới giữa thời buổi công nghệ, công nghiệp phát triển như hiện nay.


(Nguồn http://baotang.hatinh.gov.vn/)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!