By Thanh Tiếp on Saturday, 03 December 2022
Posted in Làng nghề
Replies 0
Likes 1
Views 475
Votes 0
Là một trong số ít làng nghề lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, những người thợ tạc tượng ở làng Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai) đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước để tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” cả về kích thước lẫn độ tinh xảo; bởi họ không chỉ làm với bàn tay, khối óc tài hoa, mà họ làm nghề bằng cả cái tâm của mình.

Từ trung tâm Hà Nội, theo quốc lộ 6 đi đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 21B qua Hà Đông chừng 10 km, tới Bình Đà rẽ trái theo đường tỉnh lộ đi Thường Tín khoảng 4 km đến địa phận xã Thanh Thùy (Thanh Oai), nơi có làng nghề truyền thống điêu khắc Dư Dụ. Đến Dư Dụ, lắng tai nghe, lọc qua tiếng xe cộ qua lại tấp nập sẽ thấy tiếng rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ, đồng thời sẽ cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn...

Dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa đông hay cái nóng bức giữa trưa hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất từ các di tích lịch sử văn hóa đến các gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nghề mộc truyền thống làng Dư Dụ được hình thành từ bao giờ hiện nay các bậc cao niên trong làng không nhớ rõ được. Tổ nghề được dân làng thờ hiện nay là Lỗ Ban - nhân vật có nguồn gốc Trung Hoa. Hàng năm, làng giỗ tổ nghề vào ngày mồng 4/5 âm lịch, do Hội tư văn tế ở đình làng vì làng không có nhà thờ tổ sư.

Từ năm 1954 về trước, để hành nghề, người thợ mộc làng Dư Dụ phải có bộ đồ nghề gồm: Cưa (cưa xẻ và cưa con) để cắt các đoạn gỗ theo sản phẩm, các loại đục (đục vũm, đục thoáng, đục bạt, đục tách, đục một, đục chếch) để đục tạo hình, tách các chi tiết sản phẩm, các loại tràng (tràng tách, tràng chảy), các loại móng (móng vũm, móng thẳng), các loại nạo và khoan tay, búa…

Để làm sản phẩm, từ các khúc gỗ, người thợ cả (phó cả) phải vẽ để tạo hình sản phẩm. Tiếp đó là đục đất loại bỏ những phần gỗ thừa theo hình vẽ. Đây là công đoạn không khó thợ học việc có thể làm, nhưng nếu đục chuẩn thì các công đoạn sau, nhất là khâu hạ (đục thành chi tiết) sẽ đỡ tốn công, nhẹ nhàng hơn. Người thợ mới vào nghề, nếu tinh ý sẽ biết lựa thớ gỗ để loại bỏ các chi tiết thừa mà không làm vỡ khối gỗ hoặc đục quá vào gỗ. Sau khâu hạ, thợ tiến hành tỉa tách và hoàn thiện sản phẩm, rồi dùng giấy ráp đánh bóng sản phẩm.

Trai làng Dư Dụ từ 11-12 tuổi bắt đầu đi học nghề của cha, chú hay người thân quen. Sau 2-3 năm mới được công nhận là thợ nhỏ (phó nhỏ). Đến 16-17 tuổi, tay nghề tinh tế hơn trở thành thành viên chính thức của tốp thợ. 19-20 tuổi mới trở thành thợ bạn và còn mất một thời gian lâu làm nghề mới lên được phó ba, phó hai, rồi phó cả (người thợ giỏi nghề, đặc biệt giỏi vẽ, chuyên nhận việc, chỉ đạo thợ làm…).

Từ năm 1954 đến năm 1988, nghề làm đồ thờ của Dư Dụ bị suy giảm nghiêm trọng do chiến tranh, các di tích, nhà thờ dòng họ… không được chú trọng tu bổ như trước. Họ phải chuyển sang hướng làm đồ gia dụng (giường, tủ, bàn ghế) hoặc làm nhà gỗ dân dụng. Từ giữa những năm 70, HTX điêu khắc Dư Dụ tìm được hướng xuất khẩu sang các nước Đông Âu với sản phẩm chủ yếu là tượng thú và một vài loại tượng Phật. Đầu những năm 90, chính sách đổi mới kinh tế đã tạo điều kiện cho làng nghề hồi phục và phát triển, nhất là khi mở rộng thị trường sang Đài Loan thì nghề điêu khắc Dư Dụ đã có bước phát triển về chất, nắm bắt và hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Nếu như trước đây, sản phẩm chủ yếu của Dư Dụ là hoành phi, câu đối, y môn, lèo tủ, sập… thì bây giờ chủ yếu phát triển điêu khắc các loại tượng từ gỗ như: tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), Thọ Tứ linh, Tiên Tứ linh… Tượng các nhân vật lịch sử cũng khá phong phú như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Quan Công, Trương Phi, Lưu Bị. Ngoài ra còn có các loại tượng thú (trâu, bò tót, hổ, voi, ngựa…), trong đó tượng Phật Di Lặc là sản phẩm đặc trưng nhất của Dư Dụ.

Những sản phẩm ấy được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết. Nào là những đường lượn cho cái bụng ấm no của ông Di Lạc, vừa căng tròn lại thêm cái miệng cười tươi rất yêu đời, là gương mặt hiền từ và cái tai trường thọ của đức Thích Ca Mâu Ni. Từ khối gỗ lũa có thể tạo ra tượng Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gậy huyền bích. Trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, người thợ chế tác tượng còn cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành, thuật phong thủy. Giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ làm ra biểu hiện phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc, sao cho đúng với y quẻ trong bát quái: Hướng Nam là âm Hỏa có tinh nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè, cùng danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Hướng Bắc vốn là dương thủy, thích ứng với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp. Hơn nữa, việc đặt các bức tượng vào các vị trí phù hợp cũng quan trọng không kém bởi đâu có ảnh hưởng tới sức khỏe, sự nghiệp, tài lộc, tài trí... của gia chủ. Mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà: Cung Phú quý đặt tượng Phật Di Lặc; Cung quý nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư... Tượng Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kinh trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc - Lộc - Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà nhằm thu hút vượng khí chủ về phúc lộc, thọ.

Những tác phẩm điêu khắc được như vậy là do kỹ năng nghề đã thật nhuần nhuyễn của đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường chỉ như củi đun bếp, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy đã trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến họa tiết trên khuôn mặt. Làm nghề theo hình thức “cha truyền con nối” nên người dân ở đây, từ trẻ nhỏ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài rũa, đục khắc, “đẽo” cái hoa tay của mình để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Cùng bắt nhịp với sự đổi mới của đất nước, người dân, người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ cũng đã đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số khâu pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần túy. Các loại máy cưa, máy phun sơn, máy tiện và một số dụng cụ khác có thể hỗ trợ rất nhiều cho người thợ đầu tư vào nâng cao tay nghề tinh xảo. Điều này rất quan trọng trong việc sáng tạo mẫu mã, đưa vào họa tiết độc đáo cho bức điêu khắc làm trên chất liệu gỗ. Nếu như trước đây sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ được làm chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm thì đến nay đã dần được thay thế bằng các loại gỗ thông dụng như: pơ mu, trắc, mít, xà cừ. Nguyên liệu gỗ được người Dư Dụ nhập về chủ yếu từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái...

Nghề điêu khắc Dư Dụ đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, những năm 2000-2009 tuy có bị suy giảm nhưng vẫn được duy trì bởi thương hiệu làng nghề, đồng thời người Dư Dụ cũng ứng phó rất nhanh với những thay đổi của thời thế, nhiều gia đình đã chuyển sang làm chiếu hạt bằng gỗ pơ mu, thông đỏ…

Hiện nay, làng Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc truyền thống đã giải quyết lao động và tạo thu nhập chính cho người dân đất làng nghề có mặt trên thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á... Thu nhập từ làm nghề điêu khắc của làng tăng và chiếm tỉ trọng chính trong sự phát triển kinh tế của thôn, thu nhập bình quân đã đạt 6,8 triệu đồng/người/năm.

Một số chủ xưởng sản xuất như anh Nguyễn Văn Tịnh, mới 40 tuổi đã có tuổi nghề là hơn 20 năm, hàng năm tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên tại xưởng và các hộ lao động khác làm vệ tinh. Cơ sở của anh Nguyễn Văn Song có 2 khu nhà xưởng phục vụ công việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm điêu khắc, tạo việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên và các lao động khác làm tại nhà. Ngoài ra, các chủ xưởng ở Dư Dụ còn được biết đến như anh Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Công Hỗ, Nguyễn Văn Hùng...

Hiện nay, nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra đến đâu là đưa đi tiêu thụ đến đó, do nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước tăng. Thế nhưng nguồn nguyên liệu gỗ làm ra sản phẩm của Dư Dụ hiện đang ít, không đáp ứng được về khối lượng và chủng loại, nhất là những loại gỗ quý do nguồn gỗ tự nhiên đang cạn dần, tốc độ khai thác lớn. Đã diễn ra trường hợp người thợ phải làm cầm chừng để đợi nguyên liệu được đưa về. Đây là một hạn chế cho sự phát triển của nghề mà người thợ và những ông chủ cơ sở sản xuất đều phải trông chờ vào sự điều tiết thị trường gỗ của Nhà nước. Cùng với sự phát triển của nghề, vấn đề mặt bằng sản xuất của các cơ sở sản xuất đã trở nên chật hẹp không đáp ứng được về diện tích phục vụ sản xuất, giao dịch trong kinh doanh. Hơn nữa các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư nên bụi mùn cưa, mùi sơn phun... đã làm ô nhiễm môi trường. Để tạo điều kiện mở rộng mặt bằng và quy hoạch sản xuất vào một khu riêng thì chính quyền xã Thanh Thùy triển khai đã quy hoạch 5,8 ha đất dành làm điểm công nghiệp, vận động nhân dân làm đường làng, ngõ xóm bê tông, gạch hóa được 90%.

Làng dư dụ sẽ mãi mãi lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp bước những tinh hoa nghệtthuật điêu khắc tượng gỗ để thổi hồn cho những khúc gỗ tưởng chừng như không có giá trị gì nhưng lại mang lại một vẻ đẹp độc đáo tinh xảo nhờ vào bàn tay tài hoa của những người thợ những nghệ nhân làng nghề điêu khắc dư dụ tạo nên sức hấp dẫn cuốn hút cho nghệ thuật .

1. Đình Dư Dụ

Đến thăm làng nghề Dư Dụ, du khách sẽ không thể bỏ qua các di tích tín ngưỡng tôn giáo được người dân phụng thờ suốt nhiều đời nay. Đây là những chốn linh thiêng để người dư dụ gửi gắm những mong ước được thần phật phù hộ cho dân khang, vật thịnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nghề truyền thống ngày càng phát triển, hưng thịnh.

Đầu tiên phải kể đến là ngôi đình làng. Đình Dư Dụ thờ vị thành hoàng làng là Quý Minh đại vương, là một trong Tam vị Thánh Tản - biểu tượng cao đẹp về người anh hùng trị thủy, có công đánh giặc, xây dựng đất nước ở thời đại Hùng Vương. Quý Minh cùng với Cao Sơn và Tản Viên Sơn Thánh được thờ phụng ở nhiều nơi trong cả nước. Ngoài ra còn thờ vọng ngài Lỗ Ban - Tổ nghề thợ mộc.

Ngôi đình được xây dựng nhìn theo hướng Đông Bắc, bình thường đó là hướng ngược trong nguyên tắc xây dựng kiến trúc cổ truyền. Song theo thuyết phong thuỷ xưa, dòng sông Nhuệ phía trước vốn là giao thông chủ đạo trong vùng buổi đương thời cũng chảy từ trái qua phải, nên như vậy đình vẫn hợp hướng. Bên cạnh đó, cây đa cây đề cổ thụ vươn cao tỏa mát, lũy tre làng cùng mái ngói đỏ của ngôi đình in bóng xuống dòng sông tạo nên cảnh quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam vùng châu thổ sông Hồng.

Theo các cụ cao niên trong làng thì đình Dư Dụ được làm vào triều Lê, bằng chính công sức và bàn tay tài hoa của những người thợ trong làng.

Đình vốn có 5 gian, 2 dĩ, bốn mái đao cong, sàn gỗ hai bên. Vào đầu thế kỷ XX, triều vua Khải Định, đình bị xuống cấp nên đã được tu sửa và bổ xung nhiều hiện vật, trong đó có đôi hạc gỗ thờ mà nghệ thuật chạm khắc trên các nét đao kế thừa phong cách thế kỷ XVIII. Song đợt tu sửa lớn này cũng đã là thay đổi hình dáng ngôi đình, biến 5 gian 2 chái với góc mái cong thành 5 gian 2 chái đầu hồi bít đốc. Hệ thống cột cao lớn, bao tường xung quanh làm đình thoáng rộng. Hệ thống cửa bức bàn bằng gồ khuôn vuông vức bưng ván.

Từ bờ sông trông lên ta gặp hai cột đồng trụ lớn có tiết diện vuông, trên đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu như kiểm soát tâm linh khách hành hương. Tiếp đến là ô lồng đèn có 4 mặt vuông đắp nổi tứ linh. Thân trụ bên dưới đắp nổi câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh quan ngôi đình và công đức của các vị thành hoàng làng.

Đại bái đình được dựng trên nền khá cao để phòng nước lũ, gồm 5 gian, 2 dĩ nhỏ, xây bít đốc. Mặt ngoài của hồi sát gần nóc đắp nổi biểu tượng hổ phù ngậm chữ thọ. Hai đầu bờ nóc đắp 2 con kìm trong tư cách như con Makara - một linh vật gắn với nguồn nước. Chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Trên câu đầu của vì gian giữa khắc dòng chữ Hán “Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh” nhằm gửi gắm ước vọng cầu cho người dân được mạnh khỏe, trường thọ, giàu có, hạnh phúc. Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc dày đặc, phong phú, được tập trung vào các đầu dư và cốn mê ở các gian. Chúng ta sẽ gặp mỗi đầu dư đều được tạc hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên với kỹ thuật chạm nổi, bong kênh tinh xảo. Rồng hiện lên với tư thế hơi ngẩng đầu, mũi hếch, răng nhe, miệng ngậm hạt ngọc tròn, bờm tóc và đao mác bay về phía sau. Các bức cốn thể hiện phong phú hơn với các đề tài “tứ linh”, “lưỡng long tranh hùng”, “tứ quý”, “rồng cuốn thuỷ”, “tam sư hý cầu”.... Đáng quan tâm còn thấy dấu vết từ giữa thế kỷ XVII tại hai cốn ngay sát gian giữa ở phía trong với những rường có đao móc mũi vát rất mạnh. Nghệ thuật của thế kỷ XIX được tập trung ở cửa võng có đại tự bốn chữ “Thánh cung vạn tuế” ít nhiều kế thừa nghệ thuật thời trước.

Qua Đại bái đến Trung cung với chức năng như một tòa ống muống nối giữa Đại bái và Hậu cung đình để tạo nên mặt bằng bố cục chữ công. Nét nổi bật là tòa nhà này được thiết kế hai tầng mái, tầng trên nhô lên ở gian giữa cao hơn làm 4 mái đao cong tạo độ thanh thoát cho ngôi đình, đồng thời hai cửa thông gió nhỏ góp phần lấy ánh sang và lưu chuyển không khí, làm cho Hậu cung đình không bị ẩm mốc và thiếu ánh sáng. Lòng nhà Trung cung bày hương án và một số đồ tế tự khác.

Hậu cung đình là nơi thâm nghiêm, rất ít người được bước vào bởi đây là nơi bài trí bệ thờ và long ngai, bài vị đức thành hoàng làng. Đáng chú ý là bài vị thờ đức Quý Minh Đại Vương cao tới 1,5m, chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cùng các đồ thờ tự khác như cây nến, mâm bồng, lư hương, hòm sắc phong, thần phả… càng làm tăng thêm sự uy linh của đức thánh.

Trong những hiện vật khác của đình cũng có giá trị nghệ thuật và lịch sử rất cao, ngoài sắc phong, bộ Bát bửu có tượng Bát tiên quá hải bên trên còn có chiếc hương án nghệ thuật thế kỷ XIX mang yếu tố dịch học của Nho giáo. Trọng tâm của Hương án này là vòng tròn tượng trưng cho trời, trong trời có nguồn hiện thân là Thánh, phía dưới chạm hình tượng con rùa, là cặp phạm trù thiếu dương và thiếu âm. Hai góc có phượng hàm thư và long mã là phạm trù thái công và thiếu dương. Như vậy, mặt hương án biểu hiện cho thái cực với lưỡng nghi vuông tròn với biểu tượng là hiện thân của các linh vật mang đậm nét tâm linh ít gặp ở những nơi khác.

Di tích đình Dư Dụ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng năm 1990. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi đình vẫn là trung tâm tín ngưỡng của làng, được nhân dân kính cẩn chăm lo hương đăng.

2. Chùa Dư Dụ

Chùa được gọi theo tên của làng là Dư Dụ, bên cạnh đó có tên chữ là “Phúc Sinh tự”, toạ lạc trên thế đất cao ráo ngoài cánh đồng, nhìn về hướng Đông Nam, xung quanh chùa có lũy tre xanh bao phủ, tỏa bóng mát. Đối với đạo Phật, hướng Nam là hướng của Bát Nhã (trí tuệ), hướng của thiện nghiệp nên các ngôi chùa thường xây theo hướng này.

Nhìn tổng thể khu di tích có các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, nhà Mẫu chung với nhà Tổ, nhà khách. Xưa kia chùa có Tam quan được xây kiểu chồng diêm, hai tầng, 8 mái với các đầu đao cong vút mềm mại. Lâu ngày, do chịu ảnh hưởng của thiên tai và chiến tranh nên Tam quan bị hỏng, chỉ còn lại nền móng. Khoảng cách giữa Tam quan và Tiền đường chùa Dư Dụ nay là một khu vườn rộng trồng cây ăn quả và rau màu xen vụ.

Tiền đường 5 gian và Thượng điện 3 gian bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh. Cả hai hạng mục kiến trúc đều làm tường xây, hồi bít đốc thiên về vững chãi và bền chắc. Phía trước Tiền đường, nối từ tường hồi ra là hai bức tường lửng nối với hai trụ biểu lớn tạo thế tay ngai. Ở đầu Thượng điện có hai bức cốn chạm rồng (độc long) phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Nhà Tiền đường đặt tượng hai Hộ pháp ngồi trên sư tử như dựa vào trí tuệ để trừng ác và khuyến thiện. Hai gian bên đặt ban thờ Đức Ông và Thánh Hiền cùng các vị trợ thủ của hai ngài. Vị trí của hai tượng Đức Ông và Thánh Hiền so với các ngôi chùa truyền thống khác được đặt ngược, do làng Dư Dụ có tích truyện rằng: xưa kia, trẻ nhỏ trong làng hay bị ốm nên nhân dân đã xin hoán đổi vị trí đặt tượng thờ Đức Ông và đức Thánh Hiền để hóa giải điềm này.

Trên Thượng điện, hệ thống tượng được bố cục từ trên cao xuống thấp gồm: bộ tượng Tam Thế Phật, tiếp là bộ Di Đà Tam Tôn, thứ ba là Hoa Nghiêm Tam Thánh, hàng thứ tư là Quan Âm Chuẩn Đề, hàng thứ năm là tượng Thích Ca Sơ Sinh, tượng Ngọc Hoàng và Phạm Thiên, Đế Thích, hàng ngoài cùng giáp với Tiền đường bày chính giữa là pho tượng Quan Âm Nam Hải. Bên góc trái Thượng điện đặt tượng Quan Âm Tọa Sơn.

Nền nhà Thượng điện cao hơn hẳn so với toà Tiền đường, đây được coi là dấu vết của những kiến trúc cổ. Điều này còn hiện diện trên bệ và đài sen tượng Tam Thế mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Tuy các pho tượng cổ không còn nhưng những bệ này được làm kích thước gần vuông, chia nhiều lớp, có các mảng chạm nổi cánh sen, hình sừng vắt chéo là những hoa văn phổ biến của nghệ thuật chạm khắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Bệ của pho tượng Quan Âm Chuẩn Đề cũng có trang trí phù điêu đầu quỷ đội tượng, còn có hàng hoa văn móc xoắn và hạt tròn. Một đài sen nhỏ khác của vị Bồ tát đứng vào đó nay đặt tượng mới, mà những cánh sen của bệ được làm múp phồng đầy đặn, trong lòng cánh sen chạm nổi vân sắc và hình hạt nổi dưới bông hoa cúc mang rõ rệt phong cách nghệ thuật thời Mạc.

Ngoài ra, hiện vật đáng chú ý tại chùa còn có khánh đồng và chuông đồng đúc vào triều Minh Mệnh 20 (1839); 05 bia đá ghi việc công đức tu sửa chùa vào các triều vua Minh Mệnh, Khải Định và Bảo Đại và nhiều di vật quý khác.

Mỗi dịp tuần tiết, người làng Dư Dụ lại lên chùa lễ Phật, dâng cúng các vật phẩm hương hoa, cầu mong đức Phật phù hộ cho sức khỏe và no ấm. Ngôi chùa qua năm tháng vẫn hiện diện tại đây, che chở, bảo bọc cho nhân dân.


(Nguồn sodulich.hanoi.gov.vn)
View Full Post