Tuesday, 08 November 2022
  0 Replies
  125 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội với các ứng dụng như Youtube, Tiktok, Facebook… trở nên quen thuộc với trẻ em bởi nội dung phong phú, sinh động, hấp dẫn. Song cũng chính tại những ứng dụng hữu ích này đang xuất hiện ngày càng nhiều nội dung, hình ảnh độc hại, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, sự phát triển của trẻ.

Nội dung độc hại bủa vây con trẻ
Thời gian qua, cộng đồng mạng bày tỏ sự bức xúc với vụ việc tài khoản mạng xã hội của Quỳnh JP- một YouTuber người Việt Nam sống tại Nhật Bản đăng tải clip ghi lại quá trình mình và con trai chuẩn bị một bàn chân gấu còn nguyên lông cùng một khay thịt gấu để nấu ăn thử. Mặc dù ở Nhật Bản việc ăn thịt gấu là hợp pháp, song với 3,76 triệu lượt đăng ký kênh, đa số là người dùng ở Việt Nam, trong đó có rất nhiều trẻ em thì nội dung trên được đánh giá là phản cảm; đặc biệt khi gấu là động vật hoang dã, cần được bảo vệ và bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm săn bắt, nuôi dưỡng, sử dụng.
Những clip, video với nội dung phản cảm như vậy xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội, tấn công vào đối tượng người dùng là trẻ em. Trước đó, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, xử phạt hàng loạt trường hợp chủ các kênh mạng xã hội với lượng người theo dõi lớn đăng tải những nội dung mang nhảm nhí, không phù hợp với thuần phong mĩ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ em như: Clip “nấu cháo gà để nguyên cả lông” của Nguyễn Văn Hưng, hay còn gọi là Hưng Vlog (tỉnh Bắc Giang); clip “dùng búp bê để xin vía học giỏi” cho học sinh của Youtuber Thơ Nguyễn (thành phố Hồ Chí Minh)…
http://baobacninh.com.vn/documents/20182/1070267/29a.jpg/8cb4aec3-7a45-44ba-b995-d0edb448cfca?t=1621567279302
Trẻ em cần được phụ huynh đồng hành, định hướng khi tham gia vào môi trường mạng.

Nhiều phụ huynh sau khi nghe thông tin về các kênh Youtube bị cơ quan chức năng xử lý, mới “tá hỏa” vì con em mình cũng thường xuyên hâm mộ, theo dõi kênh của Quỳnh JP, Hưng Vlog, Thơ Nguyễn… Truy cập vào các kênh mà con theo dõi, cha mẹ không khỏi giật mình khi chúng dẫn tới nhiều đường link, clip với nội dung vô bổ, độc hại, bạo lực, nhạy cảm, chửi tục…Chị Trần Hiền Thư (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: “Mỗi khi bận làm việc nhà tôi thường cho con dùng điện thoại để mở các chương trình trên Youtube xem nhưng không lường được rằng lại có quá nhiều nội dung tiêu cực. Sau khi đọc được một vài thông tin về các vụ việc tôi cảm thấy rất lo lắng và không cho con xem điện thoại, truy cập mạng nữa”.
Cũng như chị Thư, không ít phụ huynh hiện nay vì lý do cuộc sống bận rộn, mải mê chạy theo công việc và tâm lý chủ quan đang cho con em tự do sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet như một công cụ hữu ích để giải trí, học tập song lại ít quan tâm, lơ là việc kiểm soát nội dung con xem. Điều này vô tình đẩy con em vào “ma trận” của những clip độc hại. Trên thực tế đã có nhiều vụ việc trẻ em học theo video trên mạng xã hội dẫn tới những tai nạn đáng tiếc, thậm chí tử vong… để lại nỗi thương tâm, bàng hoàng cho gia đình và xã hội.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Phó Trưởng Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), những nội dung bạo lực, nguy hiểm trên không gian mạng hiện là vấn đề đáng báo động. Trẻ em là đối tượng chưa phát triển hoàn thiện về nhân cách, nhận thức trong khi nội dung không lạnh mạnh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Khi trẻ tiếp cận, nội dung từ những video này sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức, kích thích trẻ học hỏi, hành động theo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách, trực tiếp nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng chính bản thân trẻ cũng như những người xung quanh.
Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý góp phần kiểm soát nội dung, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, song để xử lý triệt để những video này không hề đơn giản. Trong bối cảnh đó, các bậc phụ huynh chính là những người có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con em mình chọn lọc nội dung trên môi trường internet. Khi giao thiết bị có kết nối Internet cho con trẻ, cha mẹ có thể có những hình thức kiểm soát phù hợp như: Cài đặt chế độ lọc nội dung trong Youtube, vô hiệu hóa tính năng gợi ý các video, tắt tính năng tìm kiếm… Cha mẹ cần đặt ra giới hạn cho trẻ, thiết lập nội quy được sử dụng Internet vào ngày, giờ cụ thể trong tuần và hàng ngày. Khi sử dụng phải mang ra không gian sinh hoạt chung của gia đình, nơi có nhiều người như bố mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, không sử dụng ở phòng riêng…
Nhà trường cũng cần có những buổi tuyên truyền, giáo dục học sinh về cách nhận diện những nội dung xấu, có kỹ năng phòng tránh những nội dung độc hại trên mạng xã hội, định hướng các em tiếp cận những nội dung tích cực, không tương tác với những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm duyệt, thông tin làm nhục, bêu xấu cá nhân hay tổ chức. …Bên cạnh đó, để bài trừ những video, nội dung độc hại với trẻ em thì tiếng nói của cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Việc phát hiện kịp thời, lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng là rất cần thiết giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xóa các nội dung này sớm nhất có thể. Toàn xã hội phải hành động nhiều hơn nữa, vì một môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em.
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.1K
Latest Member