Thursday, 24 November 2022
  0 Replies
  285 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Một bộ phận giới trẻ ngày nay hầu như không thể rời mắt khỏi màn hình chiếc smartphone thường trực trên tay. Làm chủ một thiết bị công nghệ cao không phải là vấn đề; làm chủ chính mình mới là câu chuyện đáng bàn.
https://static.kaspersky.proguide.vn/image/2013/9/1/586_kids-smart-01(1).jpg
Cẩn trọng khi cho con trẻ dùng smartphone

Ma lực từ “Kết nối liên tục, chia sẻ tức thì”

Với chiếc smartphone luôn bên mình, mọi giao tiếp đời thường nay được nhiều học sinh chuyển lên mạng xã hội mà Facebook là sân chơi sôi động nhất. Phát ngôn trên thế giới ảo thoải mái hơn ngoài đời thực nên nhấp ngón tay dần trở thành phương thức giao tiếp chính thay cho giọng nói. Không hiếm cảnh cả đám học sinh dù ngồi chung bàn uống nước nhưng đứa nào cũng dán mắt vào màn hình smartphone của mình, thỉnh thoảng ai đó ré lên vì “sướng” ảo. Hết buổi, chia tay, hóa ra chưa trao đổi được gì với nhau vì tất cả đều bận… “lướt”. Thậm chí khi ở nhà, bữa cơm tối là lúc cả gia đình quây quần bên nhau, bố mẹ hỏi han việc học tập ở trường, thì nay chỉ nhận được những câu trả lời qua quít. Bởi các “hội viên sống ảo” trong khi ăn còn mải cập nhật trạng thái, tranh thủ phản hồi trên Facebook cùng chiếc smartphone luôn trong tầm mắt, tầm tay.

Nghiện smartphone, cô đơn giữa đời thường

Đã có thời máy đọc sách được nhiều học sinh tìm mua để thỏa mãn nhu cầu đọc thay cho sách in nặng nề thì nay đang dần lép vế trước những chiếc smartphone màn hình ngày càng lớn, nhưng vẫn đút gọn trong túi quần, tiện hơn cho việc đọc di động. Thế nhưng ma lực từ màn hình smartphone dẫn những “con nghiện” lang thang qua các trang web, đọc liên tục tới mức không kịp nghĩ vì luồng thông tin ngồn ngộn trên mạng. Thói quen tư duy mất dần. Chẳng những vậy, học sinh trót nghiện smartphone mất luôn nhu cầu giao tiếp hàng ngày. Bởi nói chuyện bằng ngón tay bỏ qua mọi nghi thức, dễ dãi quen rồi. Giao tiếp với người xung quanh trở nên ngượng ngịu và cũng không còn là mối bận tâm nữa.

Khi công nghệ đưa cả thế giới lên màn hình smartphone cũng là lúc tạo ra một lớp người nghiện sống ảo để họ trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong thế giới thực. Nghe gọi là chức năng chính của chiếc điện thoại, oái ăm thay, nay chỉ là thứ yếu sau những hoạt động chat nhảm trên mạng, nhấn “like”, khoe hình đĩa thức ăn hay nơi chốn mới ghé thăm… để tỏ rõ cái Tôi mà trong đời thực ít khi được thể hiện. Nghiện kết nối và chia sẻ liên tục cùng smartphone khiến nhiều thanh thiếu niên thường xuyên chìm trong thế giới ảo dù vẫn đang sống trong ngôi nhà thân quen của mình hay giữa rất đông bạn học. Xa rồi cái thời bật máy tính lên để kết nối vào mạng. Smartphone giá ngày càng rẻ, chức năng phong phú, giao diện trực quan dễ dùng, gọn nhẹ, khả năng kết nối cao trở thành bảo bối của người nghiện cuộc sống ảo.

Lợi – hại tại mình

Các nhà tuyển dụng, chuyên gia tâm lý thường nhấn mạnh: học giỏi nhưng thiếu nhiều kiến thức xã hội, thiếu kỹ năng mềm sẽ rất khó thành công khi trưởng thành. Nghiện smartphone không những khó học giỏi mà còn khiến kỹ năng giao tiếp của người trẻ bị kém đi. Kỹ năng mềm, trong đó kỹ năng giao tiếp lâu nay vẫn được nhận xét là điều thiếu nhất của sinh viên chuẩn bị ra trường nói chung. Nhưng dù muốn hay không thì công nghệ vẫn không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu kết nối và chia sẻ ngày càng cao của người dùng. Và smartphone chứ không phải là thiết bị nào khác đang làm rất tốt cho điều đó. Tuy nhiên một người dù đủ thông minh để làm chủ công nghệ nhưng không đủ bản lĩnh để làm chủ chính mình sẽ dễ bị những chiếc điện thoại thông minh dẫn lạc vào cuộc sống với những giá trị ảo mà quên đi những hoạt động trong đời thực.

Công nghệ không có lỗi. Vấn đề là sử dụng thiết bị ra sao để công nghệ trở nên hữu ích cho cuộc sống, cả học tập và vui chơi, đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ. Để được như thế cần có sự nỗ lực của bản thân. Dĩ nhiên không thể thiếu được sự quan tâm giáo dục của các bậc phụ huynh, thường xuyên nhắc nhở con em về mặt trái của công nghệ nếu không kiểm soát được quỹ thời gian và cách thức cũng như mục đích sử dụng công nghệ.

“Thế giới nằm trên 10 ngón tay bạn”, câu nói ưu thích trước đây của Bill Gates nay có thể đổi thành “Thế giới nằm trọn trên ngón tay bạn”. Với chiếc smartphone trên tay, mọi thứ hiện lên dưới những động tác chạm lướt ngón tay nhẹ nhàng trên màn hình. Smartphone lợi hại thế nào là tùy thuộc ở cách sử dụng của từng người.

(Theo PC World)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
1.5K
Latest Member