Thursday, 01 December 2022
  0 Replies
  451 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
TTO - Bộ Thông tin và truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm triển khai Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự thảo khuyến cáo các em cần tìm hiểu các biện pháp an toàn, cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên Internet; không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân; không làm quen, gặp gỡ với người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ; không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác...

Trước dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng "làm sạch" môi trường mạng cho trẻ em là một hành trình dài hơn, ở đó có rất nhiều vấn đề cần nỗ lực ở mức tối đa.

- Ông Nguyễn Minh Đức, CEO của Công ty bảo mật CyRadar: Phối hợp với YouTube, TikTok... để truyền thông

Trẻ em ngày nay khác rất nhiều với thế hệ trẻ của khoảng 5 - 7 năm trước khi cuộc sống gắn bó mật thiết với các thiết bị số và Internet. Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại của các em nhiều hơn đáng kể. Dù vậy, cần thấy rằng chuyện giáo dục về cách thức ứng xử, giao tiếp trên Internet cho các em từ phía phụ huynh hay nhà trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Vì vậy trước hết cần có những chương trình hướng dẫn trẻ các kiến thức, cảnh báo những nguy cơ trước khi cho chúng tiếp xúc với Internet, bao gồm cách bảo vệ thông tin cá nhân, nhận biết thông tin độc hại, biết trước tác hại của nghiện game, nghiện mạng... Các cơ quan chức năng có thể chủ động phối hợp với các công ty như YouTube, TikTok để thực hiện những hoạt động truyền thông về an toàn khi sử dụng Internet trên chính những nền tảng này để trẻ em có thể tiếp cận.

Kế đó, các cơ quan có thể cung cấp các phần mềm hoặc xác thực cho những công ty phần mềm để đưa vào danh mục gợi ý cho phụ huynh. Nhờ vậy, họ có kênh tham khảo với những ứng dụng uy tín có thể giúp họ ngăn trẻ tiếp xúc với các thông tin độc hại.

Cơ quan chức năng có thể phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet để chủ động sàng lọc những trang website xấu độc. Cũng như ngoài đời thực, môi trường mạng thân thiện với trẻ sẽ giúp các em phát triển tốt nhất về cả tư duy lẫn tinh thần, tránh sa vào những thứ lệch lạc hay trái thuần phong mỹ tục.

- TS Huỳnh Văn Chẩn, trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Giúp phụ huynh nhận diện nguy cơ

Theo khảo sát, các nội dung độc hại nhắm đến trẻ em thường đánh vào sự tò mò, tính hiếu kỳ. Do đó, những hình ảnh hay video này thường độc lạ hoặc khai thác nỗi sợ ở trẻ. Về lâu dài, những nội dung này sẽ tác động đến tâm lý và làm cho sự phát triển con người ở trẻ trở nên tiêu cực.

Theo tôi, cần thiết nhất là nhận diện các nguy cơ. Ngày nay, nhiều phụ huynh không rành về công nghệ sẽ không ý thức được hết sự phức tạp của Internet và những hệ lụy ảnh hưởng đến con trẻ. Việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh là một trong những điều tiên quyết.

Từ bộ quy tắc, có thể xây dựng những sổ tay (có thể ở cả bản giấy lẫn online) nói về những hiểm nguy với con trẻ trên môi trường số mà phụ huynh lưu tâm. Ở đó, phụ huynh cũng sẽ được cung cấp những kênh tham khảo chính thống, những đầu mối có thể liên hệ để được tư vấn chuyên sâu... Những nội dung cần được cập nhật thường xuyên và sát với những diễn biến thực tế, nhờ vậy phụ huynh luôn biết được chuyển động của thế giới Internet và sự phát sinh các mối nguy mới ảnh hưởng đến con trẻ.

- Ông Đỗ Đình Đoàn, hiệu trưởng Trường THPT Bình Tân (TP.HCM): Tạo "sân chơi" tích cực trên Internet

"Quan tâm đến trẻ em qua một bộ quy tắc cụ thể là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có thêm những hành động thiết thực. Đặc biệt, cần tạo một không gian mạng mà ở đó có nhiều sân chơi tích cực và thu hút được trẻ em. Ngày nay, đa số video clip và chương trình chiếu trên mạng thiên về giải trí nhưng lại thiếu những nội dung hấp dẫn mang tính giáo dục cao.

Cần khuyến khích, tạo điều kiện để tăng thêm những nội dung liên quan đến giáo dục, được truyền tải một cách sinh động, qua đó có thể hấp dẫn được trẻ em, học sinh thay vì để các em "ngập chìm" trong những nội dung giải trí đơn thuần.

Ở cấp độ trường học cũng vậy, các trường tạo được những sân chơi lành mạnh trên môi trường mạng sẽ không chỉ giúp gắn kết các em mà còn hướng học sinh của mình đến những điều tích cực. Vì vậy, các trường không nên bỏ qua không gian trực tuyến khi tạo những môi trường kết nối với các em. Muốn như thế cũng cần sự chủ động và sáng tạo từ phía các thầy cô như chúng tôi".
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
22
Total Guests
762
Latest Member